Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Ngày 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra một số dự án luật.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Y tế thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trước đó, ngày 3/6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

Đồng thời, hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu, đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.

"Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nêu trên, đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn," ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hom-nay-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-cong-doan-sua-doi-post35781.html