Homestay núi Cấm: Cần giải pháp khả thi

Đã tròn một tuần sau khi Chủ tịch UBND xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang ký văn bản yêu cầu 10 homestay trái phép trên núi Cấm phải dừng hoạt động kinh doanh lưu trú trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thời gian để các homestay phải hoàn trả hiện trạng ban đầu đã hết nên chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động.

Lý do của việc này là bởi loại hình homestay chưa được cấp phép kinh doanh trên núi Cấm, dù các chủ homestay rất muốn được hướng dẫn để hoạt động hợp pháp.

Tháng 10-2022, một phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với thị xã Tịnh Biên và các sở, ngành liên quan về tình hình quản lý, định hướng phát triển núi Cấm, xây dựng loại hình lưu trú homestay trên địa bàn núi Cấm.

Vị lãnh đạo này chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu dự thảo nghị quyết chuyên đề về quản lý và phát triển toàn diện núi Cấm; giao UBND thị xã Tịnh Biên quản lý, yêu cầu các chủ homestay giữ nguyên hiện trạng, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh xây cất mới không bảo đảm quy định…

Có thể thấy rất rõ quan điểm, chủ trương của UBND tỉnh An Giang là muốn đưa hoạt động du lịch vào khuôn phép, có tổ chức để quản lý tốt hơn, tránh xảy ra tình trạng du lịch tự phát, mất trật tự, mất mỹ quan nơi tham quan, du lịch như nhiều địa phương khác trên cả nước đã mắc phải. Ý tưởng rất tốt, rất đúng nhưng cách làm thì chậm và thụ động.

Chậm là từ tháng 10-2022 tới nay gần một năm mới rục rịch chuyển động. Thụ động là không triển khai thực hiện, nay chính quyền xã chỉ thực thi bằng cách ban hành một mệnh lệnh hành chính theo cách đơn giản nhất là đóng cửa.

Có thể biện giải quá trình diễn biến câu chuyện này bằng những lý do nhưng thử đặt vào hoàn cảnh người kinh doanh và du khách để thấm thía nỗi niềm.

Lẽ ra trước đó, các sở, ngành chức năng và địa phương nên kiểm tra, giám sát; nếu cho phép hoạt động thì hướng dẫn thực hiện đúng khuôn phép, chủ homestay nào làm sai thì xử lý ngay.

Việc không đả động gì suốt thời gian dài, nay yêu cầu ngưng hoạt động thì thiệt hại không chỉ cho chủ homestay và du khách. Nếu làm tốt việc quản lý hoạt động thì cái lợi là được cả nhiều bề khi phát triển du lịch, tạo nguồn thu cho ngân sách; quản lý tốt không để nhếch nhác, chụp giật, tạo việc làm cho cư dân địa phương...

Tỉnh An Giang thấu rõ tầm quan trọng của việc phát triển du lịch, muốn quản lý tốt hơn, phát triển du lịch theo hướng bền vững, hạn chế phát triển du lịch tự phát, ảnh hưởng nhiều mặt kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, các sở, ngành và địa phương chưa thực hiện đồng bộ. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết đang chờ báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh xử lý vấn đề này.

Xung quanh hoạt động của các homestay trên núi Cấm, tỉnh An Giang nên giải quyết sớm, trường hợp nào sai thì xử nghiêm, đúng thì cho tồn tại, hoạt động.

Đồng thời phải quản lý thật tốt, đúng nghĩa du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn; thuận lợi cho người kinh doanh và hài lòng du khách, đưa du lịch phát triển xứng tầm tiềm năng, lợi thế của vùng Bảy Núi lừng danh. Đó mới là giải pháp khả thi, trọn vẹn.

Hoàng Hoa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/homestay-nui-cam-can-giai-phap-kha-thi-20230918205839276.htm