Hơn 1.000 chuyên gia chỉ trích CDC chưa ứng phó hiệu quả với COVID-19

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Miami, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN

* Thái Lan xem xét rút ngắn thời gian cách ly với người nhập cảnh

Hơn 1.000 chuyên gia và cựu chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cùng ký vào một lá thư ngỏ, trong đó bày tỏ sự thất vọng về cách nước Mỹ ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời kêu gọi CDC đóng vai trò trung tâm hơn nữa trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, nội dung bức thư ngỏ cảnh báo sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo ở cấp quốc gia trong đối phó với đại dịch COVID-19 đã ở mức “chưa từng có và hết sức nguy hiểm”.

Các chuyên gia cho rằng CDC cần là cơ quan ở tuyến đầu ứng phó hiệu quả với đại dịch. Cựu Giám đốc CDC dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, ông Jeffrey Koplan, và cựu Giám đốc CDC dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Tom Frieden, cũng ký tên trong lá thư ngỏ.

Trong một phản ứng, CDC cho biết kể từ tháng 1/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hơn 5.200 cán bộ chuyên gia của CDC đã nỗ lực hết sức để bảo vệ sức khỏe của người dân Mỹ. Trong suốt 74 năm qua kể từ khi thành lập, CDC luôn cung cấp những thông tin và khuyến nghị tốt nhất đến người dân Mỹ.

Từ lâu được coi là cơ quan y tế công cộng hàng đầu thế giới, CDC luôn đóng vai trò dẫn đầu trên toàn cầu trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, chính quyền của Tổng thống Trump đã tham gia sâu vào việc định hình các khuyến nghị khoa học tại CDC trong thời gian vừa qua khi dịch COVID-19 hoành hành.

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, niềm tin của người dân Mỹ đối với CDC có phần giảm sút. Một số các chuyên gia y tế công cộng đã lên tiếng bảo vệ CDC và cho rằng cơ quan này cần tiếp tục vai trò đầu tàu của mình, hoạt động dựa trên chứng cứ khoa học để bảo vệ người dân khỏi đại dịch.

Trong diễn biến khác, Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của Thái Lan vừa đề xuất Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) giảm thời gian cách ly đối với công dân về nước, từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.

Dự kiến, trong cuộc họp vào tuần tới, DDC sẽ chính thức đệ trình đề xuất này lên tiểu ban của CCSA phụ trách giám sát công tác cách ly, kiểm dịch COVID-19. Sau đó, tiểu ban này sẽ chuyển đề xuất đến ban lãnh đạo của CCSA để ra quyết định vào cuối tháng 10.

Giám đốc DDC Opas Karnkawinpong cho biết nếu CCSA đồng ý với đề xuất trên, quy định về thời gian cách ly mới dự kiến được áp dụng trong tháng tới. Đề xuất cắt ngắn thời gian cách ly được đưa ra dựa trên dữ liệu theo dõi của DDC đối với người nước ngoài nhập cảnh và công dân Thái trở về từ ngước ngoài, kết hợp với nghiên cứu của Thụy Sĩ và tình hình công tác cách ly sở tại.

Tiến sĩ Sophon Iamsirithavorn tại DDC cho rằng việc cắt ngắn thời gian cách ly sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh ở nước này. Ông nêu rõ kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả phòng chống lây nhiễm chủ yếu trong thời gian từ 1-10 ngày.

Tỉ lệ mắc COVID-19 trung bình của công dân Thái Lan trở về nước là 0,63%. Tính từ tháng 4/2020 đến nay, hơn 116.000 công dân Thái Lan đã trở về nước và được cách ly.

Trong khi đó, giới chức y tế Thái Lan cho biết nước này vừa ghi nhận hai trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên trong hơn một tháng qua. Hai bệnh nhân là công dân Myanmar sống ở khu vực giáp biên giới Myanmar. Hai bệnh nhân này không có triệu chứng mắc COVID-19 nhưng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 13/10 vừa qua.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay Thái Lan có hơn 3.600 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 ca tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/247769/hon-1-000-chuyen-gia-chi-trich-cdc-chua-ung-pho-hieu-qua-voi-covid-19.html