Bầu cử Quốc hội Pháp: Thủ tướng Gabriel Attal tuyên bố từ chức
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal ngày 7/7 tuyên bố sẽ gửi đơn từ chức tới Tổng thống Emmanuel Macron vào sáng 8/7 và sẽ thực hiện chức trách tới khi nào cần thiết.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Attal đưa ra sau khi liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) giành đa số ghế tại vòng 2 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp.
Trong một diễn biến khác, cựu Thủ tướng Edouard Philippe cho rằng nước Pháp cần có một thỏa thuận để đảm bảo có được một chính phủ ổn định, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng gánh vác trọng trách này và mời những người khác cùng tham gia.
Trong khi đó, khác hoàn toàn với dự đoán của giới phân tích và các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, vòng 2 của cuộc bầu cử sớm tại Pháp đã chứng kiến một bất ngờ lớn, khi khối chính trị giành vị trí dẫn đầu không phải là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính đến 23 giờ tối 7/7 (4 giờ sáng theo giờ Hà Nội), với 184-186 đại biểu so với 149 đại biểu của Quốc hội sắp mãn nhiệm, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đang chiếm vị trí dẫn đầu.
Mặc dù giành thắng lợi lớn ở vòng đầu tiên, nhưng đảng RN và đồng minh chỉ giành được từ 141 đến 143 ghế, hiện đứng ở vị trí thứ ba.
Đứng giữa hai lực lượng này là liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron, mất đa số tương đối và chỉ còn duy trì được từ 160 đến 162 đại biểu so với 254 đại biểu trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ trước.
Thất bại nằm ngoài mọi dự đoán của phe cực hữu cho thấy chiến lược rút lui của “Mặt trận Cộng hòa” mà nòng cốt chính là phe cánh tả thống nhất và phe của Tổng thống Macron, đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi.
Các thông điệp và hướng dẫn bầu cử của các đảng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cử tri.
Trước đó, NFP đã rút 130 ứng cử viên và liên minh “Cùng nhau” đã rút 80 người khỏi các khu vực bầu cử mà phe cực hữu có ưu thế nhất để tạo cơ hội thêm điểm cho các đảng còn lại.
Tuy thất bại nhưng với số ghế giành được, liên minh của Tổng thống Macron vẫn được hưởng lợi lớn từ Mặt trận Cộng hòa. Vị trí thứ hai đủ để đảm bảo cho phe này trở thành lực lượng không thể bỏ qua trong bất cứ cuộc đàm phán chính trị nào.
Kết quả vòng 2 càng khẳng định sự phân cực của chính trường Pháp, với ba khối có số ghế không chênh nhau quá nhiều trong cơ quan lập pháp.
Thắng lợi hoàn toàn bất ngờ đã giúp NFP đã vươn lên trở thành lực lượng chính trị lớn nhất, trong khi phe cực hữu không còn cơ hội nắm chính phủ.
Do không có lực lượng chính trị nào chiếm đa số tuyệt đối, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không bị buộc phải từ chức hay buộc phải chọn Thủ tướng từ phe đa số tương đối mạnh nhất, tức là một người từ NFP.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron, Quốc hội và chính phủ mới tại Pháp được dự báo sẽ đứng trước nguy cơ lớn là không thể dễ dàng làm việc cùng nhau.