Hơn 1.000 hộ dân vùng dự án hết cảnh 'sống treo' suốt hơn 13 năm
Sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Thông báo số 74/TB-UBND hủy thu hồi đất xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, hơn 1.000 hộ dân đã hết cảnh 'sống treo' suốt hơn 13 năm qua.
Đây là mơ ước của người dân vùng dự án, đồng thời là điều kiện để người dân ổn định cuộc sống, tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, Thuận Nam cho biết, toàn thôn có 247 hộ với gần 1.000 khẩu. Khi UBND tỉnh thông báo hủy thu hồi đất để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân 1, nhân dân rất vui. Vui vì có cơ sở pháp lý được làm giấy tờ nhà đất, sang nhượng mua bán rõ ràng, tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất mất tình làng nghĩa xóm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Đại diện cho bà con, ông Thắng mong muốn chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện hỗ trợ hoàn thành các thủ tục liên quan nhanh gọn, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng... bù đắp phần nào những thiệt thòi của bà con trong suốt thời gian quy hoạch treo.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) có hơn 820 hộ dân với trên 2.800 khẩu. Người dân mong muốn sớm ổn định đời sống, sản xuất để phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Thành Ngọc, người dân thôn Thái An cho hay, bố mẹ mất để lại cho anh em ông hơn 8 sào đất (hơn 8.000m2). Trước đây vướng quy hoạch dự án, không làm được ủy quyền, sang nhượng. Nay có thông báo hủy thu hồi đất, mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tin tưởng về tương lai phát triển, ông Hà Văn Chờ, người dân thôn Thái An chia sẻ, nhà ông có 5,3 sào (5.300 m2) đất nông nghiệp nhưng hơn chục năm qua vướng thông báo thu hồi đất làm dự án Nhà máy Điện hạt nhân 2 nên không làm được sổ đỏ hay sang nhượng. Khi tỉnh hủy thông báo thu hồi đất, ông rất mừng và sẽ đi làm sổ sớm để có tài sản vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất.
Theo ông Nguyễn Thành Mỹ, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Hải đã kịp thời triển khai thông tin đến nhân dân trên địa bàn và đặc biệt là người dân thôn Thái An biết về Thông báo số 74/TB-UBND tỉnh. Qua đó, bà con tiến hành kê khai đất đai, liên hệ với cấp chính quyền để được hướng dẫn thực hiện các quyền sử dụng đất như tách thửa, tách sổ, sang nhượng, thực hiện quyền thừa kế đất đai... Người dân đồng tình ủng hộ quyết định hủy thu hồi đất của tỉnh nên rất phấn khởi.
Để ổn định đời sống người dân, chính quyền xã Vĩnh Hải đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm giải quyết, tạo điều kiện để bà con thực hiện quyền sử dụng đất; chỉnh trang mở rộng khu dân cư; đầu tư các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi theo chủ trương của Nghị quyết 46/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh. Đặc biệt, tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn, trường học ở thôn Thái An.
Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy với tổng công suất 4.000 MW, được Quốc hội thông qua năm 2009. Trong các năm 2010 và 2015, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có các thông báo thu hồi đất tại hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải để xây dựng hai nhà máy này. Sau các lần điều chỉnh giảm diện tích thu hồi từ 1.090 ha xuống còn 831,7ha; trong đó Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là 427,2 ha và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 là 404,5 ha.
Đến ngày 22/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị xem xét phát triển lại dự án. Sự không thống nhất về việc giữ lại hay bỏ dự án đã khiến cho hơn 1.000 hộ dân với trên 3.800 nhân khẩu gặp không ít khó khăn về đời sống.
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh giao UBND huyện Ninh Hải và Thuận Nam chỉ đạo chính quyền các địa phương hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định pháp luật để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định lại đời sống; đồng thời, giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của người dân. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất UBND tỉnh, thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết thỏa đáng cho người dân.