Hơn 1.000 ngày theo dấu gã trùm ma túy giấu cả 'kho' vàng, đô la (kỳ 1)
Khoảng tháng 6/1998, ngay sau khi Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) mới thành lập được vài tháng, chỉ với hơn 20 CBCS, qua công tác nghiệp vụ, trinh sát phát hiện ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có một nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa, Điện Biên thường xuyên về nhà Ngô Văn Ngọc tụ tập đánh bài và nghi có mua bán, sử dụng ma túy.
NHỮNG ĐẠI GIA ĐÌNH MA TÚY
Từ thông tin thu thập được, trinh sát tiến hành bí mật xác minh, thấy nhân thân những đối tượng này rất phức tạp, nhiều đối tượng ở Quan Hóa, Mường Lát, Thanh Hóa là vùng biên giới giáp Lào - địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy. Cục C04 đã lập án tập trung lực lượng đấu tranh.
Đề nghị hoãn thi hành 2 án tử hình để “lấy cung”
Qua thời gian dài theo dõi, mật phục, ngày 31/10/1998, tại cầu Lạc Quần, huyện Xuân Trường, Nam Định, trinh sát dã bắt quả tang Lương Văn Chinh (ở Xuân Tiến, Xuân Trường) ngụy trang, đèo cháu nhỏ 6 tuổi (con của Ngô Văn Ngọc) vận chuyển ma túy đi TP Nam Định giao hàng.
Khi bị bắt, Chinh nhanh chóng vứt cặp sách xuống ruộng lúa ven đường, định phi tang. Kiểm tra cặp sách, trinh sát thu được 2 bánh heroin (trọng lượng 700 gram), nhưng Chinh không thừa nhận là ma túy của mình.
Với tinh thần đấu tranh quyết liệt cộng với tài liệu chứng cứ thu được, Chinh phải nhận ma túy của Chinh vận chuyển lên TP Nam Định giao cho đối tượng tên là Trường, nhưng không biết địa chỉ nhà ở. Mặc dù cơ quan điều tra đã đấu tranh quyết liệt nhưng Chinh vẫn không khai chủ hàng là ai.
Sau khi Chinh bị bắt, Ban chuyên án đã làm rõ Chinh cùng anh trai, anh rể, bố vợ, chú vợ... cùng tham gia mua bán ma túy với Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Quyết ở Điên Biên. Trong đó, Lương Thanh Bình (anh trai Chinh), Phan Thanh Ngân (anh rể Chinh) đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt và bị tuyên án tử hình từ cuối năm 1997.
Ngay lập tức, một 1 tổ điều tra viên (ĐTV) lên Lạng Sơn xét hỏi Bình, Ngân và một số đối tượng trong vụ án. Vì liên quan đến người thân, nên Bình và Ngân nhất quyết không khai, xin được thi hành án.
Các ĐTV đã phải kiên trì động viên, thuyết phục, nếu Bình khai báo thành khẩn và động viên Chinh khai báo, cộng tác với cơ quan điều tra thì sẽ đề nghị hoãn thi hành án tử hình cho Bình và Chinh sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Bình đã “mặc cả” với ĐTV, chỉ khi nào được thông báo bằng văn bản hoãn án tử hình thì Bình mới khai báo về đường dây ma túy này.
Các ĐTV đã nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát làm văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hoãn thi hành án tử hình với Bình.
Đến lúc này, Bình bắt đầu khai báo các đối tượng trong đường dây mua bán ma túy của Tám và Quyết gồm: Lương Văn Chinh, Ngô Văn Ngọc, Ngô Thị Dung (vợ Ngọc), Ngô Văn Đoàn (bố vợ Chinh ), Ngô Thị Hà, Phạm Văn Thuấn... đều ở xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định và một số đối tượng ở Quan Hóa, Mường Lát,Thanh Hóa, đã mua bán ma túy nhiều năm.
Các đối tượng này lấy nhà Ngô Văn Ngọc, Đinh Thị Dung là nơi tụ tập, mang ma túy từ Điện Biên,Thanh Hóa về cho Ngọc, Dung bán lấy lời. Có ngày, cả bọn tụ tập khoảng 5 đến 15 người ăn chực nằm chờ để Dung, Ngọc bán được ma túy, thu được tiền đem về chia nhau.
Đồng thời, Bình cũng viết thư cho Chinh, nhắn nhủ Chinh khai báo, cộng tác với cơ quan điều tra để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. CQĐT làm rõ, tại địa bàn này đã xuất hiện nhiều “đại gia đình ma túy” như gia đình nhà Ngô Văn Đoàn gồm ba anh em ruột, vợ, con gái, con rể, em dâu; gia đình Lương Thanh Bình gồm hai anh em ruột và anh rể; gia đình Phạm Văn Tuấn gồm hai anh em và cháu ruột...
Săn “cáo già”
Vụ án coi như đã gỡ được nút thắt và có hướng mở rộng điều tra. Nhưng sau khi bắt được Chinh, những con “cáo già” như Tám, Quyết, Đoàn, Ngọc... đều đã cao chạy xa bay. Làm thế nào để bắt được các đối tượng này là bài toán làm đau đầu các điều tra viên và trinh sát, bởi nếu không bắt được chúng thì vụ án coi như dừng lại mà chỉ truy tố được mỗi Lương Văn Chinh.
Các trinh sát được tung đến các địa phương liên quan, hóa trang, mật phục để truy tìm các đối tượng liên quan. Việc bắt Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Tám được đặt lên hàng đầu vì Quyết là đầu mối quan trọng, là trung gian trong tất cả các khâu giao dịch mua bán ma túy giữa các đầu nậu với Ngọc và Dung.
Mặt khác, do đang bị truy nã toàn quốc về tội mua bán ma túy, Quyết đã làm lại chứng minh thư, thay tên, đổi họ và có nhiều kinh nghiệm, mưu mô đối phó với cơ quan chức năng, có quan hệ với một số cán bộ công an. Quyết thoắt ẩn thoắt hiện, không ở nơi nào quá 1 đêm và luôn thủ súng bên người. Để bắt được Quyết, Ban chuyên án đã phải huy động rất nhiều lực lượng, áp dụng nhiều biện pháp chiến thuật, kể cả dùng người tình của Quyết để câu nhử y về Nam Định để bắt.
Mặc dù bắt được Quyết và Tám, nhưng các đối tượng này luôn kêu oan. Do trong vụ án trước đây mà Quyết bị truy nã, khi bị công an bắt, Quyết đã kịp vứt 5 kg thuốc phiện xuống ao bỏ chạy, nên y cho rằng bắt không thu được ma túy cũng không thể kết tội được. Còn Tám, vốn là kẻ buôn ma túy có “thâm niên”, từng liên quan đến vụ án mua bán 229 kg thuốc phiện do Công an tỉnh Sơn La bắt năm 1996, do chứng cứ yếu nên phải đình chỉ điều tra.
Tuy nhiên, qua công tác nghiệp vụ, Ban chuyên án phát hiện Quyết và Tám mua bán ma túy nhiều năm có rất nhiều tiền, còn cất giấu ở nhà và gửi người thân. Cơ quan điều tra đã tổ chức khám xét nhiều lần, tiến hành đào cả nền nhà, nền bếp nhà Tám ở Nọng Hẹc, Điên Biên và thu được tổng cộng 400.000 USD, 235 cây vàng.
"Tâm phục, khẩu phục", các đối tượng mới cúi đầu nhận tội. Quyết, Tám khai đã tham gia mua bán ma túy từ năm 1993 với số lượng khoảng 300 kg thuốc phiện và trên 1.000 bánh heroin với hơn 50 đối tượng ở Nam Định,Thanh Hóa,Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn...
Tám khai giữa năm 1996, Tám bán cho 2 đối tượng người dưới xuôi khoảng 700 bánh heroin, cứ hai tuần thì hai người này lại lên lấy khoảng 20 bánh. Mỗi bánh heroin, Tám lãi khoảng 1.000 USD, thu lãi khoảng 600.000 USD. Vì mua ma túy từ Lào về quá thuận lợi nên Tám ham làm liên tục "cứ như gieo hạt không chăm mà thu hoạch mãi không hết". Do thu được quá nhiều tiền, vàng và đô la, không biết tiêu gì nên Tám đã chôn dưới nền bếp ở Điện Biên và mua vàng gửi người thân.
Mặc dù đã bắt được chú cháu ông trùm Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Quyết nhưng trong đường dây này còn khoảng 30 đối tượng ở khu vực gần biên giới Việt – Lào, đi lại cực kỳ khó khăn. Lãnh đạo Bộ Công an đã cho chủ trương, nếu cần thiết, Ban chuyên án có thể huy động lực lượng đặc nhiệm hoặc máy bay lên thẳng, bí mật bất ngờ đổ bộ xuống các địa bàn biên giới để truy bắt các đối tượng. Nhưng xét thấy các biện pháp đó sẽ gặp nhiều khó khăn vì địa bàn không phù hợp, nên Ban chuyên án đề xuất kế hoạch cử các trinh sát tinh nhuệ, cải trang xuống các địa bàn xác minh, truy tìm tung tích các đối tượng, chờ thời cơ thuận lợi để bắt.
Sau thời gian dài vừa kết hợp củng cố chứng cứ, vừa xác minh truy tìm đối tượng, đêm 25/5/1999, lợi dụng thời điểm trận chung kết bóng đá cúp C1, các đối tượng sẽ chủ quan, Ban chuyên án đã huy động hàng trăm CBCS, đồng loạt ra quân bắt 10 đối tượng cầm đầu các nhóm mua bán ma túy ở Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, gồm: Ngô Văn Ngọc, Ngô Văn Đoàn, Ngô Văn Tỉnh (3 anh em ruột), Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Văn Khương, Ngô Văn Cao,Trần Văn Kế ở Xuân Trường, Nam Định; Nông Thị Đầm, La Bích Phượng, Nguyễn Văn Toàn ở Lạng Sơn, Phạm Ngọc Định ở Hải Phòng... Các đối tượng như Ngô Thị Hà (vợ Đoàn), Ngô Thị Thủy (con gái Đoàn) trốn khỏi địa phương đến nay.
Do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra đã đề xuất kết thúc điều tra giai đoạn I, đề nghị truy tố 22 bị can tham gia mua bán trái phép 750,5 bánh heroin và 289 kg thuốc phiện. Ngày 13/6/2000, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử tuyên phạt: 8 bị cáo tử hình,12 bị cáo tù chung thân, 2 bị cáo từ 18 đến 20 năm tù giam.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-i-nhung-dai-gia-dinh-ma-tuy_121998.html