Hơn 1.000 ngày theo dấu gã trùm ma túy giấu cả 'kho' vàng, đô la (kỳ cuối)
Kết thúc điều tra giai đoạn đầu, những kẻ cộm cán trong đường dây mua bán cái chết trắng, hoạt động nhiều năm đã lần lượt bị bắt giữ, chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.
Không ai nghĩ rằng, một xóm đạo bình yên với những người dân cần cù chịu khó, một nắng hai sương lại xuất hiện nhóm tội phạm ma túy hoạt động công khai trắng trợn, gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại. Nhiều đối tượng đã lôi kéo cả gia đình, vợ con, anh em vào con đường mua bán ma túy.
Chuyên án thành công được chính quyền, nhân dân hết lòng cảm ơn, khen ngợi lực lượng công an đã triệt xóa thành công tụ điểm ma túy phức tạp, hoạt động nhiều năm gây bức xúc dư luận.
Vụ án đến đây cơ bản đã hoàn thành, nhưng nhiệm vụ đặt ra với Ban chuyên án là hiện còn rất nhiều các đối tượng ở Quan Hóa, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) là những kẻ đã mua ma túy từ Lào về Nam Định cần phải tiếp tục điều tra, bắt để xử lý.
Mẻ lưới lớn ở vùng biên giới
Quan Hóa, Mường Lát là 2 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, tiếp giáp với Lào, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhiều đối tượng phạm tội về ma túy mua chuộc, lôi kéo một số người dân vào con đường mua bán, vận chuyển ma túy.
Những người này đã móc nối với số đối tượng người Lào mua heroin từ Lào đem về xã Thành Sơn (Quan Hóa), Pù Nhi (Mường Lát) rồi thuê hoặc trực tiếp vận chuyển ma túy về xã Xuân Tiến (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) giao cho vợ chồng Dung, Ngọc bán.
Những “shipper ma túy” này ăn ở tại nhà Dung-Ngọc, khi nào lấy được tiền thì mới về Thanh Hóa. Mỗi tháng, mỗi đối tượng đi từ 2-3 chuyến, mỗi chuyến từ 1-5 bánh heroin - một lượng ma túy khá lớn vào thời điểm đó. Chính vì vậy mà tại nhà Dung-Ngọc thường xuyên có khoảng 10-15 người tụ tập ăn chơi bài bạc, gây nên tình trạng rất phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương.
Theo tài liệu trinh sát, khu vực Quan Hóa, Mường Lát có khoảng 30 đối tượng liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Tám. Tại hai huyện này, có những bản hầu hết các gia đình có người liên quan đến ma túy, như xã Thành Sơn (Quan Hóa), xã Pù Nhi (Mường Lát). Người lạ tới bản Sộp Pu, vào các quán ven đường chỉ cần khéo léo hỏi chủ quán mua heroin ở đâu là họ chỉ cho ngay người bán, ai mua bán ma túy nhiều hay ít, lãi nhiều hay ít...
Sau khi Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Quyết bị bắt, những đối tượng liên quan trốn biệt sang Lào hoặc lên các chòi trên nương rẫy làm ăn sinh sống. Mặt khác, người dân tộc thường đặt các tên rất giống nhau như: Dìn, Dế, Vừ, Vừa... hoặc gọi tên con thay tên bố, không có ảnh, không có giấy tùy thân, rất khó khăn cho việc truy bắt các đối tượng.
Nếu kết thúc chuyên án tại đây, thì nhiệm vụ của cơ quan điều tra coi như cũng hoàn thành xuất sắc. Một số trinh sát, điều tra viên đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Nhưng với tinh thần quyết tâm, cả Ban chuyên án thống nhất phải tiếp tục điều tra, bắt tiếp những đối tượng liên quan, làm trong sạch địa bàn, góp phần mang lại bình yên cho nhân dân.
Làm thế nào để bắt đúng người đúng tội, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số là bài toán làm đau đầu các trinh sát và ĐTV.
Ban chuyên án đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các tổ trinh sát, hóa trang thành cán bộ kiểm lâm, cán bộ điều tra dân số, xuống các bản ăn ở với dân bản hàng tháng ròng. Có trường hợp, trinh sát đã hóa trang "kết thân", ăn nhậu ở nhà đối tượng nhiều lần, xác minh lấy ảnh, nhận dạng đúng người.
Đồng thời, để bắt đối tượng thành công, đảm bảo bí mật bất ngờ, không để đối tượng trốn, chống đối là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, cho nên việc bắt phải được tính toán rất tỉ mỉ, áp dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp củng cố chặt chẽ chứng cứ, bắt đồng loạt nhiều đối tượng cùng một thời điểm.
Ngày 25/8/2000, lợi dụng tối đó tại xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa có chiếu phim, xác định có 5 đối tượng xuất hiện tại nhà, Ban chuyên án đã huy động 30 cán bộ chiến sỹ phối hợp với công an địa phương bí mật đột nhập. Ban chuyên án xác định, việc bắt Phạm Bá Dìn, Phạm Văn Dịnh là quan trọng nhất, vì đây là hai kẻ cầm đầu các đường dây mua ma túy từ Lào về Nam Định bán cho vợ chồng Ngọc-Dung. Khi các ĐTV vào bắt Dìn-Dịnh cũng là lúc các trinh sát hóa trang đang ở với Dìn tại nhà y nên y không kịp trở tay.
Có đối tượng ở bản bên kia sông Mã đang mùa nước lũ, lo ngại nếu đi đò nhỏ của dân bản khi dẫn giải đối tượng qua sông sẽ rất nguy hiểm, có thể người quen của đối tượng sẽ đánh đắm đò để giải thoát đồng bọn, nên Ban chuyên án quyết định thuê đò lớn ở địa bàn khác.
Việc bắt các đối tượng hoàn thành khoảng 1 giờ đêm, nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để dẫn giải các đối tượng từ các bản về trại tạm giam T16 (ở huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ). Đường đi từ xã Thành Sơn và các xã lân cận phải đi bộ 5 km mới ra đến địa điểm tập kết xe máy, do lúc vào xã Thành Sơn, để đảm bảo bí mật, khi đến đầu xã, lực lượng truy bắt phải chia nhỏ thành từng tốp hòa vào đám đông người dân đi xem phim.
“Các trinh sát đón chúng tôi đi xe máy ra địa điểm tập kết ở cuối huyện Mai Châu (Hòa Bình), giáp với huyện Quan Hóa. Trên đường đi ra, một bên là vực sông Mã, một bên là vách núi hiểm trở, phải qua nhiều ngầm và cầu treo rất nguy hiểm. Mỗi đối tượng giao cho 4 trinh sát đi trên 3 xe máy để dẫn giải. Đêm hôm đó trời lại mưa, đường trơn, chỉ có những trinh sát có kinh nghiệm quen đường mới dũng cảm cầm lái mô tô để đưa chúng tôi dẫn giải các đối tượng bắt được ra địa điểm tập kết ô tô.
Trên đường đi, để đảm bảo tuyệt đối an toàn, các trinh sát đã tháo dây dù ở súng ngắn buộc tay đối tượng vào tay mình, đề phòng đối tượng bỏ chạy lên rừng hoặc lao xuống vực trốn thoát. Khi ra đến nơi tập kết là thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi mới thở phào, sau đó tiếp tục dẫn giải về trại tạm giam T16, Bộ Công an đấu tranh, xét hỏi”, Đại tá Phạm Văn Chình, nguyên Cục phó Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an kể lại.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cũng cho biết, đây là chuyến đi bắt đối tượng ma túy đầy khó khăn nguy hiểm, nhưng để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc về những biện pháp, chiến thuật xác minh truy bắt đối tượng ở địa bàn rừng núi hiểm trở.
Bi kịch 'gia đình ma túy'
Căn cứ lời khai của các đối tượng này, Ban chuyên án tiếp tục củng cố chứng cứ, mở rộng bắt tiếp các đối tượng trong đường dây. Đại tá Chình nhớ lại, trăn trở nhất đối với Ban chuyên án lúc đó là khi bắt đối tượng Đinh Thị Dung (vợ Ngọc), vì Ngọc và anh trai, em trai đã bị bắt ở giai đoạn I của vụ án. Trong khi đó, Dung còn nuôi 3 con nhỏ (từ 2-8 tuổi) và bố mẹ già.
Dung là cô gái thôn quê xinh đẹp, vì chồng nghiện ma túy nên bị rủ rê, lôi kéo, hoa mắt vì lợi nhuận quá lớn từ buôn bán ma túy nên đã cùng chồng làm "đại lý lớn", tiêu thụ cái chết trắng ở xóm đạo bình yên. Các ĐTV rất trăn trở vì nếu bắt Dung sẽ tan nát cả gia đình. Nhưng vì hành vi phạm tội của Dung đặc biệt nghiêm trọng, không thể để lọt tội phạm. Còn Dung, xác định sẽ bị bắt, nhưng vì 3 con nhỏ, Dung phó mặc cho số trời nên không bỏ trốn như các em của Dung.
Khi đến bắt Dung, trinh sát đã giám sát nhà Dung suốt cả đêm, đợi đến sáng cô ta ra mở cửa đưa con đi học sẽ tổ chức bắt, nhưng đợi đến 8 giờ sáng không thấy Dung mở cửa. Trinh sát và đại diện chính quyền nhiều lần gõ cửa cũng không thấy động tĩnh gì. Các trinh sát nghĩ rằng có thể đêm qua Dung đã trốn, nên phải nhờ mẹ chồng Dung đến mở cửa thì phát hiện, Dung và 3 con nhỏ vẫn ở trong nhà.
Khi trinh sát vào nhà, 4 mẹ con Dung đều kêu khóc thảm thiết "xin không bắt mẹ cháu". Dân làng đến xem chật sân, mọi người đều rất thương hoàn cảnh của mẹ con Dung. Nhưng rất nhiều người phấn khởi vì công an đã bắt vợ chồng Dung, triệt xóa được một "đại gia đình" ma túy. 3 cháu nhỏ được giao cho ông bà nội, nhưng vì các cụ đã lớn tuổi nên các ĐTV phải đưa về UBND xã, mời ông bà ngoại của các cháu lên giao.
“Các cháu là những đứa trẻ không có tội tình gì, nếu ông bà ngoại cũng không nhận, chúng tôi sẽ đưa về cơ quan điều tra, liên hệ với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Hà Nội để đưa các cháu vào trường SOS” - Đại tá Chình chia sẻ.
Khi bắt Dung vào trại tạm giam, Dung suốt ngày khóc, kêu oan. Nhưng bằng những chứng cứ thu được và sự cảm hóa thuyết phục của ĐTV, sau 1 tháng Dung đã chịu hợp tác khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn.
Cứ như vậy, cuộc hành trình vây bắt các đối tượng ở Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa) và Xuân Trường (Nam Định) diễn ra thường xuyên, mỗi tháng 1-2 lần. Kết thúc giai đoạn II, CQĐT đã khởi tố, bắt giam 24 bị can tham gia mua bán 194 bánh heroin và 4,7 kg thuốc phiện, làm rõ từ năm 1996 đến tháng 10/1998, các đối tượng ở Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa) đã móc nối với các đối tượng người Lào mua ma túy vận chuyển về Xuân Trường (Nam Định) giao cho vợ chồng Ngọc-Dung và các đối tượng khác để chúng đưa đi Lạng Sơn, Hải Phòng tiêu thụ.
Giữa năm 2001, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt 7 bị cáo trong đường dây này mức án tử hình, 8 bị cáo tù chung thân, 9 bị cáo 15-20 năm tù giam. Sau 3 năm điều tra, CQĐT Bộ Công an đã điều tra, khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 57 bị can, hiện vẫn còn 5 bị can chưa bắt được. CQĐT đang tiếp tục điều tra, bắt để xử lý trước pháp luật.