Hơn 1.200 biệt thự cũ ở Hà Nội đang được quản lý thế nào?
Với 1.216 biệt thự đang quản lý, Hà Nội chia thành 3 nhóm tương ứng với quy trình cấp phép cải tạo, sửa chữa khác nhau. Giá bán cũng sẽ theo quy định và có hội đồng thẩm định giá.
Ngày 28/4, công tác cải tạo và tu sửa căn biệt thự tại số 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo được bắt đầu với phần rào sắt quây xung quanh.
Biệt thự này có diện tích đất bao quanh rộng khoảng 992 m2, được xây dựng từ năm đầu của thế kỷ XX và là một trong những công trình còn giữ được nhiều giá trị kiến trúc. Công trình vừa được khởi công cải tạo vào ngày 27/4.
Theo phương án được phê duyệt, biệt thự sẽ được trùng tu theo đúng nguyên tắc và phương pháp được áp dụng tại Pháp. Đây được cho là dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án cải tạo biệt thự khác được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.
“Sau khi hoàn thành, căn biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là trung tâm giao lưu văn hóa Pháp của Hà Nội, nơi những người yêu di sản có thể tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội, những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa giữa hai nước suốt nửa đầu thế kỷ XX”, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, nói về giá trị của công trình.
3 nhóm biệt thự
Căn biệt thự trên chỉ là một trong 1.216 công trình khác nằm trong danh mục biệt thự cũ xây trước năm 1954 mà Hà Nội đang quản lý. Trong số này, nhiều biệt thự đang là nơi ở của hàng chục hộ gia đình. Nhiều người đang quan tâm đến công tác cải tạo và quản lý các biệt thự này.
Ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết các biệt thự của thành phố được phân thành 3 nhóm theo quy định. Tương ứng với từng nhóm, Hà Nội xây dựng quy trình cấp phép phá dỡ và cải tạo khác nhau.
Nhóm 1 gồm những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa; biệt thự gắn liền với cách mạng – kháng chiến được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc.
Với 222 biệt thự thuộc nhóm 1, Hà Nội quy định chủ đầu tư có ý định phá dỡ sẽ phải có phương án, xin ý kiến của HĐND và UBND thành phố. Sau khi được phê duyệt về chủ trương, việc cải tạo phải được giữ nguyên trạng cả bên trong và bên ngoài biệt thự, đảm bảo theo đúng kiến trúc ban đầu của công trình.
Nhóm 2 gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm 1, hiện gồm 356 công trình. Với nhóm này, chủ đầu tư phải xin ý kiến chấp thuận phá dỡ của UBND thành phố và Sở Xây dựng. Phương án tu sửa của nhóm này cần đảm bảo toàn bộ quy hoạch về mật độ, chiều cao của kiến trúc bên ngoài phải được giữ nguyên so với ban đầu.
Nhóm 3 gồm những biệt thự không thuộc hai nhóm trên, gồm 638 công trình. Hà Nội yêu cầu các biệt thự nhóm này phải có kiểm định chất lượng là công trình thật nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ thì lúc đó mới cấp phép phá dỡ. Sau khi phá dỡ xong, chủ đầu tư phải xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.
"Tuy nhiên, tổ liên ngành đang rà soát để tiếp tục điều chỉnh quy định trên theo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, làm sao để công tác bảo tồn biệt thự và công tác quản lý biệt thự sẽ đi vào nề nếp", ông Mạc Đình Minh nói.
Quy trình làm hồ sơ mua nhà ở biệt thự cũ
Liên quan việc bán 600 căn biệt thự cũ nằm trong danh mục hơn 1.200 biệt thự đang quản lý, Hà Nội cho biết đang rà soát tổng thể và báo cáo chi tiết với cấp có thẩm quyền. Khi rà soát xong, thành phố sẽ công bố chi tiết các thông tin về các biện pháp quản lý, bảo tồn và cả quỹ nhà hiện có để quản lý.
Về đối tượng được mua nhà biệt thự cũ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố chủ trương bán cho gia đình, cán bộ công nhân viên chức đã được phân phối nhà từ trước, có hợp đồng thuê nhà và đang sử dụng ổn định. Những người này trước đây vì nhiều lý do như không đủ kinh tế mà chưa mua được nhà, thì nay sẽ được tạo điều kiện để mua.
Theo ông Minh, quy trình bán biệt thự sẽ được căn cứ theo quy định và hướng dẫn thi hành tại một số điều của Luật Nhà ở.
Hiện, một biệt thự có thể có nhiều hộ ở, ví dụ như căn biệt thự ở Nguyễn Thái Học có khoảng 10-20 hộ dân đã có hợp đồng thuê nhà đối với công ty quản lý nhà. Ngoài ra, nhiều biệt thự có sự đan xen sở hữu giữa Nhà nước, tổ chức tư nhân và cá nhân.
Do đó, người dân có nhu cầu mua lại thì cần nộp hồ sơ theo mẫu. Công ty quản lý nhà sẽ mời tổ liên ngành của thành phố định giá. Sau đó, hồ sơ sẽ được trình lên Sở Xây dựng thành phố để ký hợp đồng bán rồi chuyển sang Sở Tài nguyên và Môi trường để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, giá bán biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 được thực hiện theo quy định của Chính phủ, đồng thời có hội đồng định giá nhà gồm đại diện của nhiều sở, ngành liên quan. Giá bán nhà ở là các biệt thự sẽ được tính cộng gộp bởi hai phần là tiền nhà và tiền sử dụng đất.
Về việc xây dựng hồ sơ để người dân làm căn cứ xin phép sửa chữa, cải tạo các biệt thự cũ, Hà Nội đã xây dựng 3 kế hoạch gồm: kiểm định lại 1.216 biệt thự, phục hồi 3D trên cơ sở hồ sơ lưu trữ của thành phố để giữ lại kiến trúc và tìm cách số hóa. Các kế hoạch này đang được lên dự thảo và báo cáo thành phố để ban hành quy định thực hiện chính thức.
Còn riêng với công trình biệt thự ở ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo bắt đầu được sửa chữa, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết dự án được lên kế hoạch hoàn thành vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố đề nghị quận cùng các đơn vị phấn đấu đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm hơn.
"Quận Hoàn Kiếm cũng cần tiếp tục phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan để rà soát, kiểm tra để lựa chọn biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn", lãnh đạo Hà Nội yêu cầu.
Hà Nội đang quản lý 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Trong số này, 207 biệt thự thuộc danh mục không được bán, còn 600 biệt thự đang bán dở. Đến nay, thành phố đã ký hợp đồng bán với 4.973 hộ, còn 713 hộ chưa có hợp đồng bán.