Hơn 1,3 tỉ người sẽ bị bệnh tiểu đường năm 2050
Theo một nghiên cứu mới, số lượng người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Các ước tính mới dự đoán con số này sẽ tăng từ 529 triệu người vào năm 2021 lên hơn 1,3 tỉ người vào năm 2050. Không có quốc gia nào được cho là sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong 30 năm tới. Những phát hiện đã được công bố trên các tạp chí The Lancet và The Lancet Diabetes & Endocrinology.
Các chuyên gia mô tả dữ liệu là đáng báo động khi bệnh tiểu đường đang vượt xa hầu hết các bệnh trên toàn cầu, là mối đe dọa đáng kể đối với con người và hệ thống y tế.
"Bệnh tiểu đường vẫn là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất của thời đại chúng ta và sẽ phát triển mạnh mẽ trong 3 thập niên tới ở mọi quốc gia, nhóm tuổi và giới tính, đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới", tiến sĩ Shivani Agarwal thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết.
Liên Hợp Quốc đã dự đoán rằng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ vào khoảng 9,8 tỉ người. Điều này cho thấy đến lúc đó, khoảng 1/8 nhân loại sẽ sống chung với bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu viết: "Bệnh tiểu đường type 2 chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh tiểu đường, phần lớn có thể phòng ngừa được và trong một số trường hợp, có khả năng khỏi nếu được xác định và quản lý sớm trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, tất cả các bằng chứng chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn thế giới, chủ yếu do sự gia tăng béo phì bởi nhiều yếu tố gây ra".
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết sự phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc của các nhóm dân tộc thiểu số và "sự bất bình đẳng về địa lý" đang làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tật, ốm đau và tử vong trên khắp thế giới.
Những người từ các cộng đồng bị thiệt thòi ít có khả năng tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu như insulin, và kiểm soát lượng đường trong máu kém hơn, chất lượng cuộc sống thấp hơn và tuổi thọ giảm.
Đại dịch COVID-19 đã làm tăng sự bất bình đẳng về bệnh tiểu đường trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu cho biết những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nặng và tử vong cao gấp 2 so với những người không mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những tác động sâu xa và quy mô lớn của phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng dẫn đến những tác động không đồng đều đối với tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường toàn cầu.
Theo nghiên cứu, các điều kiện cấu trúc ở những nơi mọi người sống và làm việc có tác động tiêu cực sâu rộng, xuyên thế hệ đối với kết quả bệnh tiểu đường trên toàn thế giới.
Tổ chức từ thiện Bệnh tiểu đường Anh trước đây đã nói rằng số lượng người thừa cân hoặc béo phì cao chiếm khoảng 64% người trưởng thành ở Anh đang dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2.
Tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến ở những người dưới 40 tuổi và ở những khu vực có mức độ thiếu thốn cao hơn.
Tổ chức từ thiện cho biết các yếu tố rủi ro của bệnh tiểu đường type 2 là "đa dạng và phức tạp", bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình, dân tộc và cân nặng.
Chris Askew, Giám đốc điều hành của Diabetes UK cho biết: "Nghiên cứu quan trọng này nhấn mạnh quy mô lớn của cuộc khủng hoảng bệnh tiểu đường mà chúng ta đang phải đối mặt, cả ở Anh và trên toàn thế giới. Dòng tộc của bạn, nơi bạn sống và thu nhập của bạn đều ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2, sự chăm sóc mà bạn nhận được và sức khỏe lâu dài của bạn, và tất cả những điều này đều có mối liên hệ với nhau. Nhu cầu phối hợp hành động giữa các chính phủ để giải quyết sự bất bình đẳng về tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng như các điều kiện cơ bản của sức khỏe kém, chẳng hạn như nghèo đói và sống chung với bệnh béo phì, chưa bao giờ cấp bách như bây giờ".
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hon-1-3-ti-nguoi-se-bi-benh-tieu-duong-nam-2050-201433.html