Hơn 1.300 tỉ đồng gỡ 'nút thắt' tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo
Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) được Bộ GTVT phê duyệt có tổng mức đầu tư 1.336 tỉ đồng.
Bộ GTVT vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).
Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT vào tháng 8-2020, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) gồm các hạng mục chính: Nạo vét luồng chạy tàu bờ Nam kinh Chợ Gạo (từ Km12+000 đến Km21+850) với tổng chiều dài 9,85 km và đầu tư công trình bảo vệ bờ Nam kinh Chợ Gạo xây dựng đường dân sinh đạt tiêu chuẩn đường nông thôn loại B phía bờ Nam kinh Chợ Gạo với chiều dài 9,72 km, rộng 5 m…
Dự án được phê duyệt có tổng mức đầu tư 1.336 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2023.
Kênh Chợ Gạo có chiều dài 28,5 km, đi qua 17 xã và thị trấn của huyện Châu Thành (Long An) và Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, Mỹ Tho (Tiền Giang). Đây là tuyến kênh giao thông thủy độc đạo vận chuyển hàng hóa, lúa gạo, nông sản từ các tỉnh ĐBSCL đi TP.HCM.
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày/đêm, tuyến kênh Chợ Gạo trung bình có hơn 1.500 lượt phương tiện thủy qua lại tuyến kênh này. Hiện dòng kênh có đoạn bị cạn, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn.
Trước đó giai đoạn 1 của dự án đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo với tổng vốn 786 tỉ đồng được thực hiện bằng vốn trái phiếu Chính phủ với khối lượng nạo vét 17/28,6km thông luồng kỹ thuật và kè bờ thảm đá phía bờ Bắc, một số đoạn phía bờ Nam và kè trồng cây tại Kỳ Hôn, Rạch Lá.
Sau khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành đưa vào khai thác năm 2015 góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông thủy, nâng cao năng lực vận tải tàu thuyền tàu từ ĐBSCL đi TP.HCM và ngược lại, đảm bảo ATGT thủy trên tuyến, chống xói lở đảm bảo được đời sống nhân dân dọc tuyến bờ này.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, mật độ phương tiện thủy lưu thông dày đặc, đặc biệt số lượng phương tiện tải trọng lớn hoạt động trên tuyến tăng rất nhiều dẫn đến tốc độ xói lở hai bên bờ kênh chợ Gạo càng nghiêm trọng, làm bồi lắng trở lại lòng kênh và phá hỏng tuyến đường cặp bờ Nam kênh Chợ Gạo, gây nguy hiểm an toàn giao thông trên tuyến đường này.
Gần đây đoạn kênh Chợ Gạo qua tỉnh Tiền Giang xuất hiện khoảng trên 150 điểm sạt lở (sâu vào bờ từ 2- 20 mét) đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của hơn 2.000 hộ dân, hàng chục căn nhà bị sập do sạt lở kênh Chợ Gạo (đoạn chưa được đầu tư). Không chỉ vậy, tình trạng sạt lở bờ kênh Chợ Gạo còn làm mất đường dân sinh và đường huyện, chia cắt khu dân cư với các tuyến đường giao thông chính của khu vực…