Hơn 1/4 dân số Syria trong tình trạng 'cực nghèo'
Theo hai báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 25-5 về Syria, hơn 1/4 dân số nước này đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ.
Những báo cáo của WB cho thấy “27% người Syria, tương đương khoảng 5,7 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ”. , Tình trạng này bắt nguồn sau 13 năm xảy ra cuộc xung đột tàn khốc tàn phá nền kinh tế và khiến hàng triệu người Syria bị bần cùng hóa.
Báo cáo nêu rõ: “Tình trạng nghèo đói cùng cực, hầu như không tồn tại trước cuộc xung đột, đã ảnh hưởng đến hơn 1/4 dân số Syria vào năm 2022 và có thể còn tồi tệ hơn sau thảm họa động đất vào năm ngoái”. Trận động đất xảy ra hồi đầu năm 2023 ở Syria đã khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng.
Báo cáo trích dẫn cuộc khủng hoảng kinh tế của nước láng giềng Lebanon vào cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine đã làm xói mòn phúc lợi của các hộ gia đình Syria trong những năm gần đây.
Cuộc nội chiến ở Syria cũng đã tàn phá nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và công nghiệp, trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gia tăng thêm những khó khăn cho quốc gia này. WB cho biết: “Việc nguồn tài chính tiếp tục thiếu hụt và khả năng tiếp cận hỗ trợ nhân đạo bị hạn chế” đẩy tình trạng nghèo đói ở quốc gia Trung Đông thêm căng thẳng.
Liên hợp quốc từng thông tin với AFP rằng kế hoạch ứng phó nhân đạo cho Syria vào năm 2024 cần hơn 4 tỷ USD nhưng hiện tại cơ quan này mới chỉ nhận được 6% tài trợ.
Cộng đồng quốc tế dự kiến sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ trong một hội nghị thường niên vào ngày mai (27-5) nhằm kêu gọi nguồn tài trợ cho Syria.
Việc nguồn viện trợ ngày càng suy giảm khiến nhiều người Syria phải dựa vào tiền gửi từ người thân ở nước ngoài để duy trì. Báo cáo của WB ước tính rằng “vào năm 2022, tổng giá trị kiều hối mà các hộ gia đình Syria nhận được đạt khoảng 1,05 tỷ USD”.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria đạt khoảng 6,2 tỷ USD vào năm 2023. Trong năm nay, Syria ước tính GDP sẽ giảm 1,5%, kéo dài mức giảm 1,2% vào năm 2023. “Lạm phát được dự đoán sẽ vẫn ở mức cao vào năm 2024 do tác động truyền dẫn của việc mất giá tiền tệ, cùng với tình trạng thiếu hụt kéo dài và khả năng cắt giảm thêm trợ cấp đối với thực phẩm và nhiên liệu,” báo cáo nêu rõ.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bùng phát năm 2011, hơn nửa triệu người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hon-1-4-dan-so-syria-trong-tinh-trang-cuc-ngheo-667431.html