Hơn 1.500 hộ dân ở Nghĩa Hành tiếp tục bị nước lũ cô lập
Sáng 11.11, nước sông Phước Giang lên cao đã khiến hơn 1.500 hộ dân ở vùng trũng Nghĩa Hành bị ngập sâu trong lũ. Có nơi ngập đến 1,5m.
Từ sau bão số 9 đến nay, 48 hộ dân ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) bị cô lập hoàn toàn. Tuyến đường độc đạo vào thôn bị nước lũ chia cắt, ngập sâu đến hơn 1m. Nước đang rút dần thì từ chiều 10.11 đến nay, mưa lớn liên tục lại khiến các hộ dân này tiếp tục bị chia cắt vì lũ lên lại.
Để tiếp cận được thôn Xuân Vinh, chúng tôi phải nhờ những chiếc thuyền lá chông chênh di chuyển khoảng 2km mới tới nơi. Hiện toàn bộ người già, đau ốm, trẻ em đều đã được hỗ trợ di dời ra khỏi thôn. Với các hộ dân bị cô lập, chính quyền địa phương đã vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước uống để cung cấp cho người dân trong những ngày bị cô lập.
Phải sử dụng thuyền lá để tiếp cận với các hộ dân thôn Xuân Vinh
Lũ lớn, kèm gió đã khiến cho thôn Xuân Vinh bị chia cắt hoàn toàn. Bà Nguyễn Thị Bồng- ngụ ở đội 11, thôn Xuân Vinh chia sẻ: Nước lớn nhanh, gió lớn nữa nên bà con không dám chèo thuyền ra ngoài. Tất cả đều phải nhờ lực lượng chức năng trang bị áo phao, chèo ghe vào hỗ trợ khi cần thiết.
Còn ông Đặng Văn Ngôn cho hay, ngôi nhà nằm ngay gần Bàu Sen của thôn Xuân Vinh của ông đã bị nước lũ tấn công gần cả tháng nay. “Nếu không có cái thuyền lá thì coi như cô lập. Đi làm, đi chợ hay dẫn con đi học được đều nhờ thuyền cả. Nhưng hôm qua nay nước lũ lên, gió kèm mưa lớn quá nên tôi không dám chèo ghe đi đâu. Sợ gió đánh úp cả ghe”- ông Ngôn cho hay.
Đã quen với cảnh sống chung với lũ hàng chục năm nay, nhưng người dân ở thôn Xuân Vinh cho hay, chưa bao giờ, nước lũ lại bao vây các hộ dân trong thôn lâu đến như vậy. Liên tiếp các trận bão kèm mưa lớn đã khiến các hộ dân này bị nước lũ chia cắt trong gần một tháng qua.
Tuyến đường độc đạo vào thôn Xuân Vinh bị ngập lụt, sâu đến hơn 1m
Ông Nguyễn Sĩ Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức cho biết: Ngoài thôn Xuân Vinh, trên địa bàn xã còn có hơn 400 hộ dân ở thôn Kỳ Thọ Nam 2 cũng bị cô lập hoàn toàn. Ngoài việc cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, địa phương cũng cử lực lượng xung kích chốt chặn ở các tuyến đường ngập nước, ngăn không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, với gần 500 hộ dân đang bị cô lập vì nước lũ tại xã. Chính quyền xã Hành Đức cũng trang bị áo phao, thuyền để kịp thời các trường hợp cần ra ngoài khi cần thiết. “Trong những ngày tới, dự báo nước lũ sẽ còn lên do ảnh hưởng của bão số 13, nên địa phương không thể lơ là, tiếp tục lên phương án ứng phó với mưa bão”- Ông Nguyễn Sĩ Hải nói thêm.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có hơn 1.500 hộ dân bị ngập sâu từ gần 1-1,5m ở các xã Hành Tín Tây, Hành Dũng, Hành Minh, Hành Đức và Hành Nhân. Nhiều tuyến đường ở thị trấn Chợ Chùa cũng bị ngập sâu, phương tiện giao thông không thể qua lại.
Nước lũ bao vây nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Nghĩa Hành
Ông Lê Quang Nhu- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nghĩa Hành cho biết: Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đang tích cực hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao. Hiện nước lũ vẫn còn rất cao nên tiếp tục chỉ đạo các địa phương cử lực lượng bám sát địa bàn, hỗ trợ người dân kịp thời
Nước lũ dâng cao nên trong sáng 11.11, huyện Nghĩa Hành đã cho học sinh trên địa bàn huyện nghỉ học để đảm bảo an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương theo phương án 4 tại chổ để chủ động phòng chống mưa lũ.
Một số hình ảnh nước lũ lên cao, gây chia cắt ở Nghĩa Hành:
Tuyến đường chính ở thị trấn Chợ Chùa bị ngập trong sáng 11.11
Công việc kinh doanh của nhiều hộ dân ở trung tâm thị trấn Chợ Chùa bị ảnh hưởng
Toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 1.500 hộ dân bị nước lũ bao vây
Nhiều gia đình lo chất lương thực, vật dụng lên cao phòng nước lũ tiếp tục lên
Người già, trẻ em được vận động di dời ra khỏi nơi nguy hiểm
Lực lượng chức năng cung cấp phao và áo phao cho các hộ dân bị nước lũ chia cắt
Các tuyến đường trong thôn Xuân Vinh đều bị ngập, phải dùng thuyền để di chuyển
Chính quyền địa phương huy động thuyền ghe để hỗ trợ đưa người dân ở vùng bị cô lập đến nơi an toàn hơn