Hơn 1 triệu lượt lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài trong 10 năm
Theo Ban kinh tế trung ương, trong 10 năm qua đã đưa được hơn 1 triệu lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài, giải quyết nhu cầu việc làm, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đúng theo tinh thần của Chỉ thị số 16-CT/TW.
Ngày 25/8, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.
Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước rất lớn, là cơ hội để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Nhằm giải quyết việc làm, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngày 8/5/2012, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Chỉ thị 16-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: "Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm. Đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp, cao hơn hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị".
"Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm", ông An thông tin.
Về thu nhập, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết người lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề.
Như vậy, với những kết quả trên, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc bước đầu đã hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam.
Qua thảo luận, các đại biểu cho một số ý kiến đóng góp, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW tại nhiều cấp ủy còn mang tính hình thức, chưa được chú trọng; công tác truyền thông về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa rộng rãi, kịp thời đến người lao động có nhu cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về công việc này; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt chú ý đàm phán với các quốc gia".
"Bên cạnh đó phải nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước; chú ý đến cung - cầu lao động, hướng tới gắn kết giữa lao động trong nước, lao động ngoài nước; quan tâm đến việc làm cho lao động ngoài nước về; xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững", Bộ trưởng chia sẻ.
Trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam đã giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động trong và ngoài nước, số lao động ngoài nước giải quyết được khoảng 10% số này.
Từ năm 2016 đến nay con số lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài gia tăng từ khoảng 40.000 cho đến năm cao nhất khoảng 120.000 vào năm 2019, đến năm 2020, 2021 có giảm do dịch bệnh và hiện nay đang tiếp tục tăng trở lại. Ước tính năm 2022 khoảng 80.000 người.