Hơn 1 tỷ người trẻ có nguy cơ mất thính lực vì nghe nhạc quá to và lâu

Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Y học toàn cầu BMJ cho hay, có tới hơn 1 tỷ thanh thiếu niên thường để âm lượng tai nghe quá to, hoặc tham gia các hoạt động công cộng có âm thanh ở mức không an toàn. Điều này có thể sẽ gây mất thính lực hoặc ù tai ở giới trẻ.

Hôm 15/11, trên tạp chí Y học toàn cầu BMJ một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, có tới 1,35 tỷ thanh thiếu niên thường để âm lượng tai nghe quá to, hoặc tham gia các hoạt động công cộng có âm thanh ở mức không an toàn. Điều này sẽ làm các tế bào giác quan và các cấu trúc trong tai bị mệt, nếu kéo dài thì có thể sẽ bị tổn thương vĩnh viễn, gây mất thính lực hoặc ù tai hoặc cả hai.

Bà Lauren Dillard (cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Y khoa South Carolina, tác giả chính của nghiên cứu) cho biết: “Chúng tôi ước tính 0,67-1,35 tỷ người trong độ tuổi 12-34 trên toàn thế giới có thói quen nghe không an toàn. Do đó, họ có nguy cơ bị mất thính giác".

Theo nghiên cứu, hơn 1 tỷ người trong độ tuổi 12-34 trên toàn thế giới có thói quen nghe không an toàn.

Theo nghiên cứu, hơn 1 tỷ người trong độ tuổi 12-34 trên toàn thế giới có thói quen nghe không an toàn.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích tổng hợp nhiều bài báo khoa học (xuất bản giai đoạn 2000-2021) có liên quan đến thói quen nghe không an toàn trên 3 cơ sở dữ liệu. Hành vi không an toàn được theo dõi dựa trên việc sử dụng tai nghe cũng như tham gia các địa điểm giải trí như buổi hòa nhạc, quán bar và câu lạc bộ.

Theo nghiên cứu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ giới hạn mức độ tiếng ồn an toàn ở khoảng 85 dB trong 40 giờ/tuần. Nếu chỉ nghe 2,5 tiếng/ngày, nó tương đương với khoảng 92 dB. Khi cắm các tệp âm thanh MP3 vào điện thoại thông minh, người nghe thường chọn âm lượng cao tới 105 dB. Và âm thanh tại các địa điểm vui chơi thường nằm trong khoảng 104-112 dB.

Mất thính lực (hay bệnh khiếm thính, bệnh điếc tai) là tình trạng bệnh nhân có thể nghe thấy một số âm thanh, nhưng rất kém. Hoặc có thể không nghe thấy ai đó nói, ngay cả khi họ đang sử dụng giọng nói bình thường hoặc có thể chỉ nghe thấy những âm thanh rất lớn.

Theo nghiên cứu, những người bị mất thính lực không được điều trị có khả năng gặp phải sự thất vọng, lo lắng và sợ hãi. Khi những phản ứng và cảm xúc này xuất hiện, nó có thể khiến họ cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng. Trong một số trường hợp, có thể dẫn đến việc mất ngủ, hoặc không thể ngủ.

L.Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hon-1-ty-nguoi-tre-co-nguy-co-mat-thinh-luc-vi-nghe-nhac-qua-to-va-lau-169221121070422515.htm