Hơn 1 tỷ USD chip AI Nvidia bị buôn lậu vào Trung Quốc

Theo Financial Times, trong 3 tháng kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt kiểm soát xuất khẩu chip, hơn 1 tỷ USD chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến của Nvidia đã được chuyển lậu đến Trung Quốc.

Chip AI Nvidia bị buôn lậu trị giá hơn 1 tỷ USD

Phân tích dựa trên hàng chục hợp đồng bán hàng, hồ sơ công ty và thông tin từ những người biết rõ về các giao dịch cho thấy chip B200 của Nvidia đã trở thành sản phẩm được săn lùng nhất – và có sẵn rộng rãi – trên thị trường chợ đen chất bán dẫn Mỹ tại Trung Quốc. Loại chip này được các gã khổng lồ Mỹ như OpenAI, Google và Meta sử dụng phổ biến để huấn luyện các hệ thống AI mới nhất, nhưng bị cấm bán cho Trung Quốc.

Ước tính hơn 1 tỷ USD chip AI Nvidia tiên tiến bị buôn lậu vào Trung Quốc.

Ước tính hơn 1 tỷ USD chip AI Nvidia tiên tiến bị buôn lậu vào Trung Quốc.

Vào tháng 5, nhiều nhà phân phối Trung Quốc bắt đầu bán chip B200 cho các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu phục vụ các nhóm AI Trung Quốc. Điều này diễn ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm bán chip H20 - một loại chip Nvidia kém mạnh hơn, được thiết kế để tuân thủ các hạn chế từ thời ông Joe Biden.

Theo các luật sư am hiểu quy định, việc nhận và bán chip Nvidia bị hạn chế tại Trung Quốc là hợp pháp, miễn là nộp đủ thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, các thực thể bán và gửi chip này đến Trung Quốc sẽ vi phạm quy định của Mỹ.

Tuần trước, CEO Nvidia Jensen Huang thông báo chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ cho phép bán lại chip H20 dành riêng cho Trung Quốc. Trong ba tháng trước đó, các nhà phân phối từ các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang và An Huy đã bán chip B200 cùng các chip bị hạn chế khác như H100 và H200.

Theo hợp đồng và nguồn tin từ Financial Times, tổng giá trị bán hàng trong giai đoạn này ước tính vượt 1 tỷ USD. Nvidia luôn khẳng định không có bằng chứng về việc chuyển hướng chip AI. Không có dấu hiệu cho thấy công ty tham gia hoặc biết về việc sản phẩm bị hạn chế của họ được bán sang Trung Quốc.

"Việc cố gắng lắp ráp trung tâm dữ liệu từ các sản phẩm buôn lậu là một đề xuất thất bại, cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế. Các trung tâm dữ liệu cần dịch vụ và hỗ trợ, mà chúng tôi chỉ cung cấp cho các sản phẩm Nvidia được ủy quyền", Nvidia nói với Financial Times.

Một công ty có trụ sở tại An Huy, tên dịch ra là "Cổng Kỷ nguyên" (Gate of the Era), là một trong những nhà bán chip B200 lớn nhất. Công ty này được thành lập vào tháng 2, khi có tin đồn Tổng thống Donald Trump sẽ cấm bán chip H20 sang Trung Quốc. Theo hồ sơ công ty, Gate of the Era thuộc sở hữu hoàn toàn của một nhóm cùng tên tại Thượng Hải, đăng ký cùng ngày.

Không thể ngăn các sản phẩm tiên tiến nhất của Nvidia vào Trung Quốc

Các chip được bán dưới dạng giá đỡ (rack) lắp sẵn, mỗi rack chứa 8 chip B200 cùng các thành phần và phần mềm khác để kết nối trực tiếp vào trung tâm dữ liệu. Một rack như vậy có kích thước tương đương một vali lớn, nặng khoảng 150kg bao gồm bao bì. Giá thị trường hiện tại dao động từ 3 triệu đến 3,5 triệu nhân dân tệ (tương đương 489.000 USD) mỗi rack, giảm so với hơn 4 triệu nhân dân tệ vào giữa tháng 5 khi chúng bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn tại Trung Quốc. Mức giá này cao hơn khoảng 50% so với giá bán trung bình của các sản phẩm tương tự tại Mỹ.

Trụ sở chính đã đăng ký của Gate of the Era nằm trong một khu công nghiệp do chính phủ Trung Quốc quản lý dành riêng cho các công ty mật mã.

Trụ sở chính đã đăng ký của Gate of the Era nằm trong một khu công nghiệp do chính phủ Trung Quốc quản lý dành riêng cho các công ty mật mã.

Từ giữa tháng 5, Gate of the Era nhận được ít nhất hai lô hàng, mỗi lô vài trăm rack B200, theo nguồn tin. Họ bán trực tiếp hoặc gián tiếp qua các nhà phân phối thứ cấp cho nhiều nhà cung cấp trung tâm dữ liệu và công ty khác. Gate of the Era và các chi nhánh được ước tính đã bán gần 400 triệu USD sản phẩm này.

Theo hồ sơ đăng ký, Gate of the Era liệt kê China Century (Huajiyuan) - một nhà cung cấp giải pháp AI – là cổ đông lớn nhất. Có trụ sở tại Thượng Hải, China Century tuyên bố trên website rằng họ có phòng thí nghiệm tại Thung lũng Silicon và một trung tâm chuỗi cung ứng ở Singapore, sử dụng các công cụ dữ liệu để xây dựng "kỷ nguyên mới của một Trung Quốc thông minh". Công ty này tự nhận có hơn 100 đối tác kinh doanh, bao gồm AliCloud, Huoshan Cloud của ByteDance và Baidu Cloud.

AliCloud và Baidu không phản hồi yêu cầu bình luận. Tên của Huoshan Cloud bị gỡ khỏi website của China Century sau khi Financial Times liên hệ. "Việc quản lý sử dụng logo trái phép là thông lệ chuẩn. Chúng tôi không mua chip Nvidia và không có bất kỳ hoạt động kinh doanh liên quan đến [chip Nvidia]", China Century giải thích, đồng thời cho rằng họ làm việc trong lĩnh vực "thành phố thông minh".

Financial Times đã đến trụ sở đăng ký của Gate of the Era tại một văn phòng trong khu công nghiệp do chính phủ quản lý dành cho các công ty mã hóa. Không có đại diện nào tại đó và công ty chưa chuyển đến văn phòng kể từ khi đổi địa chỉ đăng ký vào tháng 6. Financial Times cũng đến địa chỉ đăng ký trước đó, nơi hiện do một nhóm đầu tư bất động sản thuê hơn hai năm và khẳng định không liên quan. Khi được liên lạc qua điện thoại, Gate of the Era từ chối bình luận.

Theo người trong ngành và hình ảnh bao bì mà Financial Times thu thập, nhiều rack B200 được Gate of the Era và các nhà phân phối Trung Quốc khác bán ra trong vài tháng qua có nguồn gốc từ Supermicro - một công ty lắp ráp tại Mỹ cung cấp giải pháp chip cho trung tâm dữ liệu. Không có dấu hiệu cho thấy Supermicro tham gia hoặc biết về việc sản phẩm của họ bị buôn lậu vào Trung Quốc. "Chúng tôi tuân thủ mọi yêu cầu kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với việc bán và xuất khẩu hệ thống GPU", Supermicro nhấn mạnh.

"Kiểm soát xuất khẩu không thể ngăn các sản phẩm tiên tiến nhất của Nvidia vào Trung Quốc. Nó chỉ tạo ra sự kém hiệu quả và lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ trung gian dám chấp nhận rủi ro", một nhà vận hành trung tâm dữ liệu Trung Quốc nhận định.

Các nhà phân phối Trung Quốc công khai bán chip Nvidia trong danh sách cấm

Một số nhà phân phối Trung Quốc công khai chào bán các sản phẩm như giá đỡ B200 của Supermicro trên các nền tảng mạng xã hội, kèm hình ảnh bao bì mang logo của công ty – dù chưa xác minh được liệu các giao dịch này đã hoàn tất hay chưa.

Nhiều rack B200 được Gate of the Era và các nhà phân phối Trung Quốc khác bán ra trong vài tháng qua có nguồn gốc từ Supermicro.

Nhiều rack B200 được Gate of the Era và các nhà phân phối Trung Quốc khác bán ra trong vài tháng qua có nguồn gốc từ Supermicro.

Theo những người biết về hoạt động này và các video đăng tải trực tuyến, để thể hiện tính chất "cắm là chạy" của các giá đỡ này, một số nhà cung cấp còn cung cấp dịch vụ kiểm tra cho người mua. Giao dịch thường diễn ra ngay lập tức, với người mua nhận sản phẩm sau khi kiểm tra tính xác thực.

Trên mạng xã hội, các nhóm được tạo ra để kết nối cung và cầu giữa hàng trăm nhà giao dịch và nhà cung cấp trung tâm dữ liệu. Ngoài B200, nhiều chip Nvidia bị hạn chế khác như H200, H100 và 5090 cũng được rao bán công khai trên các nền tảng như Douyin và Xiaohongshu.

Hình ảnh và video bao bì, lắp đặt cho thấy logo của các công ty như Supermicro, Dell và Asus – những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng tích hợp chip Nvidia vào máy chủ. Không có bằng chứng cho thấy các công ty này biết về việc quảng cáo trên mạng xã hội hoặc sản phẩm của họ được bán tại Trung Quốc. Supermicro, Dell và Asus đều khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt các luật và quy định, bao gồm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đồng thời xử lý các đối tác không tuân thủ. "Giống như một khu chợ hải sản, chẳng bao giờ thiếu hàng", một nhà phân phối ví von.

Theo các chuyên gia ngành, chip B200 được săn đón nhờ hiệu năng, giá trị và việc bảo trì tương đối dễ dàng so với dòng Grace Blackwell phức tạp hơn. Giá đỡ AI GB200, chứa các sản phẩm cao cấp nhất của Nvidia, cũng xuất hiện tại Trung Quốc bất chấp lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Một nhà phân phối tuyên bố đã bán 10 giá đỡ GB200 với giá khoảng 40 triệu nhân dân tệ (5,6 triệu USD) mỗi cái, dù Financial Times không thể xác minh độc lập.

Thông tin quảng cáo về GB200 trên tài khoản mạng xã hội của các nhà phân phối cho thấy giá cả nhất quán và tình trạng "có sẵn để nhận tại Trung Quốc". Một số nhà phân phối Trung Quốc thậm chí đã bắt đầu rao bán trước cho B300 - phiên bản nâng cấp của B200, dự kiến sản xuất hàng loạt vào quý IV năm nay.

Lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã ảnh hưởng phần nào đến thị trường đen. Các công ty AI hàng đầu Trung Quốc có hoạt động toàn cầu không thể đặt mua các sản phẩm này một cách hợp pháp, lắp đặt chúng trong trung tâm dữ liệu của mình hoặc nhận hỗ trợ từ Nvidia. Điều này khiến các nhà vận hành trung tâm dữ liệu bên thứ ba trở thành người mua chính, cung cấp dịch vụ tính toán.

Điểm trung chuyển Đông Nam Á

Các khách hàng khác bao gồm các công ty nhỏ trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, y tế không có yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt, cũng như các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ, vốn không được phép mua chip Nvidia hợp pháp. Tuy nhiên, quy mô của các dự án này nhỏ hơn nhiều so với các cụm trung tâm dữ liệu khổng lồ mà các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang xây dựng.

CEO Nvidia Jensen Huang gần đây đang vận động chính quyền Tổng thống Donald Trump cho phép nối lại bán chip H20 sang Trung Quốc.

CEO Nvidia Jensen Huang gần đây đang vận động chính quyền Tổng thống Donald Trump cho phép nối lại bán chip H20 sang Trung Quốc.

Sau khi lệnh cấm xuất khẩu chip H20 được dỡ bỏ, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục mua số lượng lớn chip H20 hợp pháp, dù hiệu năng của chúng kém xa các sản phẩm bị cấm như B200, theo những người biết về kế hoạch này. Doanh số thị trường đen của B200 và các chip bị hạn chế khác đã giảm đáng kể sau khi lệnh cấm H20 được nới lỏng, theo nhiều nhà phân phối. "Mọi người đang cân nhắc lựa chọn khi H20 có sẵn trở lại, nhưng nhu cầu về những thứ tiên tiến nhất sẽ luôn tồn tại", một nhà phân phối cho biết.

Các chuyên gia ngành cho biết các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành thị trường nơi các nhóm Trung Quốc mua chip bị hạn chế. Bộ Thương mại Mỹ đang thảo luận về việc áp thêm kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm AI tiên tiến sang các nước như Thái Lan sớm nhất vào tháng 9.

Quy định này chủ yếu nhắm vào các trung gian Trung Quốc dùng các nước này để mua chip AI tiên tiến. Bộ Thương mại Mỹ và chính phủ Thái Lan không phản hồi yêu cầu bình luận. Đầu tháng này, Malaysia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn nhằm vào lô hàng chip AI tiên tiến từ nước này đến các điểm đến khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu ở Đông Nam Á cũng khiến người mua vội vàng đặt hàng trước khi các quy định này có hiệu lực, theo những người biết về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay cả khi các kênh này bị chặn, các nhà phân phối Trung Quốc cho biết sẽ thiết lập các tuyến vận chuyển mới, với nguồn cung đã bắt đầu đến qua các nước châu Âu không nằm trong danh sách hạn chế. "Lịch sử đã chứng minh nhiều lần, với lợi nhuận khổng lồ, những kẻ trung gian sẽ luôn tìm ra cách", một nhà phân phối Trung Quốc nói.

Đức Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hon-1-ty-usd-chip-ai-nvidia-bi-buon-lau-vao-trung-quoc-192250724204816017.htm