Hơn 10 năm người Mông ở Yên Bái 'ăn chung một Tết'
Sau hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động ăn chung một Tết, đến nay 100% đồng bào Mông ở các thôn, bản của tỉnh Yên Bái đều tổ chức Tết Nguyên đán cùng với các dân tộc trên cả nước.
Hơn 10 năm đi vào nề nếp
Cũng như đồng bào Mông cả nước, người Mông Yên Bái thường ăn tết truyền thống của dân tộc mình vào dịp cuối tháng 12 dương lịch. Việc tổ chức tết thường kéo dài cả tháng trời, làm ảnh hưởng đến mùa màng, gây lãng phí tiền của.
Trước thực trạng lãng phí cả về vật chất lẫn thời gian của bà con, từ cuối năm 2012, tỉnh Yên Bái đã có chủ trương vận động đồng bào dân tộc Mông ăn chung một tết Nguyên đán cùng các dân tộc khác.
Đến năm 2014, 100% các hộ đồng bào dân tộc Mông của tỉnh đã tổ chức ăn chung một tết cùng với các dân tộc anh em trong cả nước.
Phát huy truyền thống đó đến nay Yên Bái là tỉnh đầu tiên vẫn là duy nhất trên toàn quốc thực hiện chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung tết cổ truyền của dân tộc.
Hơn 10 năm, cũng là từng ấy thời gian anh Mùa A Sàng ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải ăn chung một Tết Nguyên đán của dân tộc.
Nhận ra được cái hay, cái tốt, lợi ích thiết thực của ăn tết chung, những năm đầu thực hiện cuộc vận động, anh Mùa A Sàng đã cùng với địa phương đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con cùng thực hiện.
Việc không ăn tết Mông mà chỉ ăn một tết Nguyên đán, đã giúp cho đồng bào người Mông có thời gian để sản xuất; trẻ nhỏ thì không phải nghỉ học dài ngày; lại có điều kiện tham gia, thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng các dân tộc khác; đồng thời quảng bá được tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.
Anh Mùa A Sàng, Bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái nói:"Trước phong tục Mông mình ăn tết trước một tháng. Ăn trước một tháng thì các con đi học cũng phải nghỉ. Xong tết thứ hai lại phải nghỉ một lần nữa thì cảm thấy không ổn định mấy.
Nhưng sau đó được Đảng, Nhà nước, chính quyền giúp đỡ thì mình ăn chung một tết, các con cũng ổn định nghỉ một lần để không tốn kém thời gian, gia đình có thời gian lao động làm ruộng nương ổn định cuộc sống".
Từ khi thực hiện chủ trương của tỉnh Yên Bái về vận động đồng bào Mông đón chung một Tết Nguyên đán đã cho thấy những lợi ích thiết thực mà cuộc vận động này mang lại.
Việc học tập của học sinh được đảm bảo và cũng thuận lợi cho sản xuất, tăng thêm tinh thần đoàn kết dân tộc.
Người Mông tại đây đã chuyển sang ăn tết chung, cũng từ đó mà nhiều hủ tục đã được đồng bào loại bỏ; sản xuất, kinh tế được chú trọng, cuộc sống nhờ thế đã thay đổi hơn trước rất nhiều.
Chị Giàng Thị Câu, Bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, chia sẻ:"Trước đây nhà mình thuôc hộ nghèo của địa phương, nhưng mà từ khi ăn chung một tết thì mình có thời gian đi trồng cây ngô, cây lúa nên cuộc sống cũng dần ổn định và giờ đã thoát nghèo rồi. Cảm thấy vui lắm".
Ăn chung Tết để tiết kiệm
Thực tế cho thấy, khi bắt tay vào vận động, khó khăn lớn nhất mà địa phương gặp phải đó là phản ứng không đồng thuận của nhiều người đồng bào nơi đây. Họ vẫn giữ tâm lý ngại thay đổi và sợ bị mai một đi phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Nhưng với cách làm khoa học và với phương châm Tập trung vận động, tuyệt đối không ép buộc, lấy kêu gọi, vận động, thuyết phục làm trọng. Đồng thời động viên, hỗ trợ, giúp đỡ những nơi khó khăn về kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dịp đón Xuân.
Vì thế, việc thay đổi "ăn chung một Tết" của đồng bào dân tộc Mông giờ đây đã được đồng bào người Mông ủng hộ và coi như Tết cổ truyền của dân tộc mình. Trong Tết, họ cũng làm đầy đủ các thủ tục truyền thống như ăn Tết của người Mông.
Ông Thào A Chinh, người dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: "Trước đây khi đồng bào Mông tổ chức ăn Tết sớm, thời gian ăn Tết lại kéo dài đến gần 2 tháng nên bà con không tổ chức sản xuất được, cứ đến ngày giáp hạt là thiếu đói.
Giờ tỉnh vận động bà con người Mông ăn chung một Tết, vừa vui, vừa tiết kiệm bởi ngay sau Tết bà con tập trung sản xuất, thu được nhiều lúa, ngô, nhiều phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi được nhiều lợn, gà hơn".
Ngoài ra bà con cũng thấy rõ lợi ích của việc ăn chung tết Nguyên đán không bị gấp gáp và có nhiều thời gian để sắm sửa, thêu thùa, may vá váy áo đẹp, chuẩn bị lợn gà; có thời gian sản xuất lúa xuân đúng khung thời vụ.
Đặc biệt, ngày tết, con cháu đi học, đi làm ăn xa đều được nghỉ về sum họp đông đủ; các phong tục, tập quán thờ cúng tổ tiên, đón năm mới vẫn được giữ nguyên nên rất nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Giàng A Vừ, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho hay:"Việc ăn chung một tết trước đây cũng có người lăn tăn vì ăn chung một tết có làm mất đi bản sắc của dân tộc Mông hay không, tuy nhiên tôi khẳng định là không.
Điều khác là ăn trước hay ăn sau thôi, các thủ tục vẫn diễn ra bình thường và cũng đảm bảo các phong tục tập quán được giữ gìn.
Hiện nay, bà con không ai có tư tưởng quay lại hay nghĩ đến tết của đồng bào Mông như trước nữa, và tôi cho rằng đây là một cuộc vận động rất lớn đã thu được kết quả rất tốt".
Không khí xuân rộn ràng với một hương sắc thật riêng khi những cành hoa Tớ Dày đã tô điểm cả một vùng núi rừng Tây Bắc.
Hòa chung niềm vui đón Tết Nguyên đán cùng đồng bào cả nước, đồng bào người Mông giờ đây đã đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để cùng hướng về một cuộc sống ấm no, giàu đẹp và văn minh hơn.