Hơn 100.000 lượt giao dịch qua dịch vụ gửi xe không tiền mặt
Sau thời gian ngắn triển khai thí điểm tại Hà Nội, dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt đã sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân vì sự minh bạch và hạn chế tình trạng thu quá giá.
Sau hơn hai tháng triển khai dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân cũng như tiềm năng phát triển của loại hình dịch vụ này trong tương lai.
Với dịch vụ trông giữ thu giá xe không dùng tiền mặt, người dùng có thể dễ dàng thanh toán phí gửi xe bằng điện thoại thông minh, không cần chuẩn bị tiền mặt hay thẻ. Hệ thống ứng dụng công nghệ RFID hiện đại, có thể tự động ghi nhận biển số xe và thanh toán phí qua thẻ Etag gắn trên phương tiện hoặc ví điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho cả chủ xe và hạn chế thất thoát doanh thu cho bãi xe.
Theo khảo sát, hầu hết người dân khi trải nghiệm dịch vụ này đều ủng hộ dịch vụ vì sự minh bạch và hạn chế tình trạng thu quá giá. Hệ thống tự động giúp hiển thị rõ ràng thời gian đỗ xe và mức phí tương ứng, giảm thiểu tranh chấp và đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có gần 100 điểm ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt. Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) phục vụ tới 70% thị phần, triển khai dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt tại 78 điểm gồm 56 điểm trông giữ ôtô và 22 điểm trông giữ xe máy. Hệ thống đã ghi nhận gần 100.000 lượt giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 1,5 tỷ đồng và tỷ lệ thanh toán qua ví VETC và mã QR đạt 100%.
Ông Trần Ngọc Kiên, Giám đốc dự án dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt của VETC cho biết theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06/Chính phủ về Chuyển đổi số Quốc gia, chỉ với các điểm trông giữ triển khai thí điểm ban đầu đã ước tính giảm 10,2 tỷ đồng/năm cho người dân, 4,2 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy sự nhanh nhạy và thích nghi của người dân đối với phương thức thanh toán mới này.
Sau thời gian ngắn triển khai thí điểm tại Hà Nội, theo ông Kiên, dịch vụ trông giữ thu giá xe không dùng tiền mặt đã thể hiện rõ nét hiệu quả đạt được 3 tăng (gồm tăng chất lượng dịch vụ, tính minh bạch công khai, niềm tin của người dân), 3 giảm (giảm thời gian, thủ tục hành chính và chi phí).
“Các trường hợp sử dụng tiền mặt chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là người cao tuổi chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện thanh toán qua các ứng dụng,” ông Kiên đánh giá.
Đối với trường hợp một số ngân hàng chưa hỗ trợ chuyển khoản với hạn mức thấp 5.000 đồng, VETC đã liên hệ và kiến nghị các ngân hàng điều chỉnh mức hạn mức phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày một cao của người dân.
Hòa chung với đề án 06/CP của Chính phủ về Chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, VETC luôn sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội trong công cuộc tiên phong phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số, kỳ vọng thu phí gửi xe không tiền mặt sẽ trở thành giải pháp phổ biến tại Hà Nội, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và văn minh đô thị.
Tiếp nối lộ trình thí điểm tại thủ đô Hà Nội, VETC đặt mục tiêu triển khai giải pháp tiên tiến này tới các tỉnh thành phố trên cả nước trong thời gian tới. Trong năm nay, ứng dụng sẽ được triển khai tại tất cả thành phố lớn hướng tới đến hết năm 2025 sẽ được nhân rộng trên toàn quốc.
“Việc triển khai dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt không chỉ góp phần vào việc thực hiện quy hoạch đô thị, điểm trông giữ xe, đáp ứng yêu cầu, công nghệ thanh toán số mà còn góp phần lặp lại trật tự đô thị trong công tác cấp phép, quy hoạch điểm đỗ, bãi đỗ xe,” ông Kiên nhấn mạnh./.