Hơn 100 chợ đóng cửa, tiểu thương TP.HCM đưa hàng lên bán online
Dịch bệnh khiến 104 chợ và 60 siêu thị, siêu thị mini tại TP.HCM phải tạm đóng cửa. Chợ truyền thống được đưa lên các kênh trực tuyến, gỡ khó cho tiểu thương lẫn người tiêu dùng.
Nhiều ngày nay, ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5, TP.HCM) liên tục đăng tải thông tin liên lạc của ban quản lý, tiểu thương từng ngành hàng lên trang mạng xã hội của chợ để giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin.
Các mặt hàng được đăng tải đa dạng từ gia vị, bánh kẹo, tạp phẩm đến rau, củ, thịt heo, bò, trái cây...
Thực tế, hiện nay TP.HCM đã có đến 104 chợ truyền thống cùng 60 siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang đóng cửa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Các chợ còn lại hoạt động cầm chừng, thu hẹp gian hàng, lượng khách thưa thớt.
Do đó, nhiều tiểu thương đã nghĩ ra cách bán hàng online tạm thời, và ban quản lý các chợ cũng chủ động hỗ trợ người bán tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm qua các kênh trực tuyến.
"Đi chợ" nhưng vẫn an toàn
Trao đổi với Zing, bà Kim Thoa, Trưởng ban quản lý chợ Phùng Hưng, cho biết hiện nay lượng khách tại chợ giảm mạnh. "Ngày 3/7, số người mua chỉ đạt 40% so với ngày trước dịch, còn hôm nay (4/7) là ngày cuối tuần nên khách chỉ tăng thêm 10%", bà cho biết.
Theo bà Thoa, nhằm đảm bảo an toàn cho thương nhân và khách hàng đi chợ cũng như thực hiện tốt chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, ban quản lý chợ đã vận động toàn bộ thương nhân và khách hàng mua bán các loại hàng hóa thực phẩm bằng hình thức online.
"Người dân có thể 'đi chợ' qua số điện thoại của tiểu thương, ban quản lý chợ. Thực phẩm được giao đến tận nhà bằng tài xế công nghệ và xe ôm tại chợ mà ban quản lý đã đăng tải thông tin, số điện thoại", đại diện chợ này nói.
Hiện, đã có hàng trăm tiểu thương đăng ký tham gia. Hàng hóa tại các kênh online được bán ra đều đặn mỗi ngày bởi theo bà Thoa khách hàng chủ yếu là khách mua quen của các tiểu thương tại chợ.
"Người mua chỉ cần ở nhà gọi điện, đặt số lượng thực phẩm, thương nhân sẽ đóng hàng và giao trực tiếp. Hiện, tại chợ có lực lượng xe ôm đông nên lượng hàng chủ yếu được giao qua bộ phận này", bà Thoa cho hay.
Anh Quân, một tiểu thương kinh doanh tại chợ, cũng tập làm quen những lần đầu bán hàng qua mạng xã hội. "Hiện tại quầy hàng của tôi tại chợ vẫn bán bình thường, đây là cách để ban quản lý chợ giúp tiểu thương có phương án dự bị", anh nói.
Tương tự, chị Nga, một tiểu thương bán rau ở chợ Bùi Văn Ba (quận 7, TP.HCM) cho biết hơn tuần nay chợ phải đóng cửa theo lệnh của cơ quan chức năng để phòng dịch. Do đó, chị nghĩ cách tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội của các cư dân, người lao động xung quanh chợ để đăng bài bán hàng.
"Ban đầu lượng khách còn ít, dần dần tôi đăng bài nhiều hơn nên số lượng người hỏi mua cũng tăng, có ngày bán được 20, 30 kg rau. Thời điểm này có thu nhập duy trì cuộc sống còn may mắn hơn là nghỉ bán hẳn", chị tâm sự.
Hiện nay, Sở Công Thương TP.HCM cũng khuyến khích người dân chuyển sang mua sắm gián tiếp, hạn chế đến các điểm đông người. Người mua hàng tuân thủ giữ khoảng cách khi giao hoặc nhận hàng, thực hiện giao hàng không tiếp xúc, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m. Sau khi nhận hàng rửa tay sạch và vệ sinh hàng hóa vừa nhận.
Đưa chợ truyền thống lên sàn
Để tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương trong việc tiêu thụ hàng hóa cũng như hạn chế ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả, ngày 2/7, Hiệp hội thương mại điện tử TP.HCM cùng Hiệp hội quảng cáo đã đưa ra ý tưởng và gửi đề xuất lên Sở Công Thương thành phố giải pháp xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử cho chợ truyền thống.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội thương mại điện tử tại TP.HCM - cho biết hiện nay trong bối cảnh hơn 100 chợ truyền thống phải đóng cửa, mua hàng ở chợ vẫn là thói quen của nhiều người. Do đó, Hiệp hội đã cùng các đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp để có thể hỗ trợ được tiểu thương kịp thời.
"Hiệp hội sẽ hỗ trợ các tiểu thương thay đổi cách bán hàng và vận hành theo phương thức mới một cách đơn giản và hiệu quả nhất như xây dựng dữ liệu nhà cung cấp, số điện thoại, mặt hàng, giá cả, hình ảnh để người mua lựa chọn. Ngoài ra, sẽ giúp tiểu thương kết nối, sử dụng điện thoại thông minh liên kết với các đơn vị vận chuyển, các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ ứng dụng cùng tham gia", ông nói với Zing.
Theo ông Dũng, trước đây, các tiểu thương tại chợ không bán hàng qua mạng vẫn có thể bán trực tiếp qua kênh truyền thống nhưng hiện nay khi dịch bệnh ngày càng căng thẳng, chợ đóng cửa ngày càng nhiều nếu nghỉ bán hẳn thì coi như không có nguồn thu.
Phải nghĩ cách làm sao giải quyết được tình thế cấp bách hiện nay khi nhiều chợ phải đóng cửa, số ca nhiễm tăng lên từng ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội thương mại điện tử tại TP.HCM.
"Trước mắt, các hiệp hội sẽ phối hợp với lãnh đạo địa phương, ban quản lý các chợ được chọn thí điểm tập huấn cho tiểu thương kỹ năng cơ bản để bán hàng trên môi trường số. Một trong những giải pháp để các tiểu thương có thể hỗ trợ lẫn nhau là thành lập ra các tổ kết hợp hàng hóa theo thực đơn, như: Gia vị, rau, thịt, cá... để người mua dễ dàng chọn lựa", Phó chủ tịch VECOM cho biết.
Ông Dũng cho rằng đây là một công việc rất khó thực hiện đòi hỏi sự kết hợp, đồng lòng của tất cả đơn vị liên quan từ phòng kinh tế quận, ban quản lý chợ, các hiệp hội, Sở Công Thương TP.HCM.
"Phải nghĩ cách làm sao giải quyết được tình thế cấp bách hiện nay khi nhiều chợ phải đóng cửa, số ca nhiễm tăng lên từng ngày. Nếu triển khai thành công đây sẽ là một kịch bản để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra bất cứ lúc nào. Đâu ai biết rằng sau đợt bùng phát lần 4 này liệu có đợt 5, 6 hay không", ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.