Hơn 100 doanh nghiệp tham gia Triển lãm hàng hải và đóng tàu
Ngày 5/7, tại Cung Triển lãm xây dựng, Quy hoạch kiến trúc quốc gia (Hà Nội), khai mạc Triển lãm Thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam (VIMOX 2023), với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp cung cấp thiết bị máy móc, công nghệ hàng đầu trong ngành hàng hải, đóng tàu từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Đánh giá triển lãm là nơi cập nhật những công nghệ tiến bộ và đổi mới về chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ hàng hải và đóng tàu, ông Kenny Yong, Tổng Giám đốc Fireworks Trade Media, đơn vị tổ chức triển lãm VIMOX 2023 cho rằng, với sự tham gia đông đảo của các đơn vị triển lãm từ khắp nơi trên thế giới, là minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển về ngành hàng hải tại Việt Nam còn rất lớn.
“Với đường bờ biển trải dài, lực lượng lao động đóng tàu lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu lợi thế trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu mang lại và nhiều tiềm năng mở rộng và nâng cao của lĩnh vực đóng tàu”, ông Kenny Yong đánh giá.
Triển lãm dự kiến thu hút hơn 5.000 khách tham quan bao gồm: các chủ tàu, nhà máy đóng tàu, nhà sản xuất và cung cấp vật tư thiết bị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ kỹ thuật, công nghệ và thương mại của các doanh nghiệp trong ngành,...
Triển lãm sẽ là cầu nối giao thương quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hữu ích, chia sẻ các công nghệ tiên tiến đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa ngành đóng tàu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VISIA) Hoàng Hùng đánh giá, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam có xu hướng bị chậm lại và gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn riêng của nền kinh tế Việt Nam.
Đến nay, với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và sản xuất kinh doanh tăng trưởng, các cơ sở đóng tàu phát triển trở lại ở khắp các địa phương trải dài từ bắc đến nam với gần 120 cơ sở đóng tàu lớn nhỏ. Các cơ sở thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị phục vụ cho ngành cũng cũng phát triển mạnh về số lượng, có khả năng đảm nhiệm thiết kế được những sản phẩm chuyên dụng.
“Ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay, theo thống kê vẫn phải sử dụng tới gần 70% vật tư, thiết bị nhập ngoại, nếu khai thác được “điểm yếu” này thì đây sẽ là dư địa rất lớn dành cho các nhà cung ứng vật tư thiết bị trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển…,” Phó Chủ tịch VISIA Hoàng Hùng nhận định.
Trong khuôn khổ của triển lãm, ngoài các hoạt động liên quan đến trưng bày, còn có các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, hội thảo chuyên ngành đóng tàu và hàng hải, được kỳ vọng là diễn đàn bổ ích giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước bàn thảo về những vấn đề khoa học công nghệ, chính sách và chiến lược phát triển ngành hàng hải và đóng tàu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Triển lãm kéo dài trong 3 ngày, kết thúc ngày 7/7.