Hơn 100 hộ dân vùng lòng hồ 'lay lắt' chờ tái định cư
Hiện có 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) đang phải sống lay lắt suốt 13 năm qua trong những ngôi nhà dột nát, tạm bợ, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài mỗi khi mùa lũ về, để chờ đợi được chuyển đến nơi tái định cư.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 5/2009, Dự án Hồ chứa nước bản Mồng (điểm giáp danh giữa tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt. Công trình xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu tỉnh Nghệ An và một phần thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Từ sau khi được phê duyệt điều chỉnh quy mô vào tháng 6/2017, nâng cao trình đập lên +78,9m, thì phần diện tích 702,6 ha gồm toàn bộ không gian sinh sống và sản xuất của thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân sẽ bị ngập lụt, phải di dời. Khi mới hay tin dự án được phê duyệt, người dân thôn Thanh Sơn vô cùng phấn khởi vì sắp được di dời đến nơi tái định cư (TĐC) cư khang trang, không lo ngập lụt và sống trong cộng đồng dân cư văn minh hơn. Tuy nhiên, gần 13 năm qua, dự án TĐC chưa được rót vốn, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 119 hộ dân nơi đây.
Có mặt tại thôn Thanh Sơn, chúng tôi khi chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề của người dân nơi đây. Thôn Thanh Sơn có tới 119 hộ dân nhưng chỉ lác đác vài ngôi nhà kiên cố, còn lại hầu hết là những mái nhà tạm bợ, dột nát. Con đường chính nối nơi đây với bên ngoài vẫn đang là đường đất, chỉ một cơn mưa qua bề mặt cũng trở nên trơn trượt, đất đỏ nhão nhẹt trồi lên quá nửa bánh xe. Nhà văn hóa, trường học nơi đây cũng lụp xụp, đổ nát do nhiều năm không được tôn tạo, sửa chữa.
Đang cùng người dân trong thôn sửa sang lại tuyến đường nội thôn, anh Hà Văn Giới, Trưởng thôn Thanh Sơn cho biết: “Con đường đất dẫn vào thôn bị hư hỏng, sạt lở sau mỗi lần mưa bão nên cả thôn thường xuyên bị cô lập với bên ngoài. Trên đường nội thôn có tới 4 điểm suối chảy qua, những điểm này ngân sách địa phương không được đầu tư xây dựng kiên cố do vướng dự án hồ thủy lợi Bản Mồng. Để có đường đi, chúng tôi đã làm những cây cầu tạm bằng tre nứa nhưng chỉ được một thời gian là hỏng và rất mất an toàn. Ở đây trên 95 % dân số là người Thái, kinh tế chủ yếu dựa vào vài thửa ruộng nên cuộc sống bà con vô cùng khó khăn.”
“Nhiều gia đình muốn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo cũng chẳng dám triển khai. Bởi lẽ, họ sợ vừa đầu tư xong lại phải chuyển đến nơi ở mới. Khó khăn của người dân là vậy, nhưng cán bộ xã cũng chỉ biết động viên, còn việc giải quyết thì vẫn chưa biết đến khi nào vì xã không có thẩm quyền” – anh Giới cho biết thêm.
Ông Kim Văn Sơn, một người dân thôn Thanh Sơn than thở: “Nhà cửa người dân trong thôn chúng tôi quá nửa là tạm bợ, hư hỏng nặng. Đường sá thì không được làm kiên cố. Mỗi đợt mưa lớn, suối trên thượng nguồn chảy về gây ngập lũ, cô lập cả cái thôn này. Khi đó, rau màu bị ngập nước sâu, vật nuôi của người dân nếu không nhanh trú ẩn cũng bị cuốn theo dòng nước lũ. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, huyện, mong sớm được di dời để ổn định cuộc sống nhưng cứ chờ hết năm này qua năm khác, đến nay cũng ngót 13 năm rồi".
Nhiều năm trôi qua nhưng 119 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch Hồ chứa nước bản Mồng vẫn chưa được TĐC, không ít người tỏ ra bức xúc về sự chậm trễ này. Họ mong muốn chính quyền các cấp có hướng giải quyết ổn định chỗ ở để an tâm sinh sống, làm ăn.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: Dự án chưa duyệt ngân sách TĐC nên bà con ở đấy phải chịu rất nhiều khó khăn. Chứng kiến những vất vả của bà con, chính quyền cấp xã, huyện cũng rất muốn làm gì đó nhưng đầu tư sửa sang đồng bộ điện, đường, trường,… sẽ tốn rất nhiều chi phí. Nếu làm xong, dùng được vài năm, người dân chuyển đi sẽ gây lãng phí ngân sách nhà nước. Việc chậm TĐC không những ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà còn ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế lâu dài của địa phương.
Trong nhiều cuộc họp, xã đã có ý kiến lên huyện về việc người dân thôn Thanh Sơn đang mong mỏi từng ngày được TĐC, ổn định cuộc sống. Mới đây, lãnh đạo xã đã kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội đề xuất các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh tiến độ di dời người dân nằm trong vùng ngập của hồ Bản Mồng, tạo điều kiện để bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Nguyễn Hữu Tuất cho hay: “Lãnh đạo huyện rất trăn trở về việc này và đã nhiều lần kiến nghị cơ quan cấp trên nhằm sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời, ổn định cuộc sống cho người dân. Đến nay, dự án đã rà soát và quyết định di dời toàn bộ 119 hộ dân thôn Thanh Sơn tới định cư tại khu vực thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Khu vực này rộng khoảng 300 ha.
Đây là dự án do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, việc TĐC cho các hộ dân tại Thanh Hóa nằm trong giai đoạn 2 của dự án. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện các bước của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau phê duyệt mới có kinh phí để thực hiện. Huyện đã khảo sát, dự toán việc di dời, ổn định đời sống cho 119 hộ dân hết khoảng 360 tỉ đồng. Về thời gian dự án chính thức triển khai thì đến nay huyện chưa nắm được.”
Người dân thôn Thanh Sơn lại tiếp tục phải ngóng chờ, sống tạm bợ, chống chọi với mùa mưa lũ đang cận kề. Những căn nhà siêu vẹo, tạm bợ, với niềm tin đã cạn, sự bồn chồn, bất an như bóp nghẹt cuộc sống của hàng trăm con người nơi đây.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hon-100-ho-dan-vung-long-ho-lay-lat-cho-tai-dinh-cu-207805.html