Hơn 100 nghệ sĩ giao hưởng cùng trình diễn tại buổi hòa nhạc The Great German Three B's

Lần đầu tiên Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO) và Dàn nhạc Giao hưởng Hà nội - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ kết hợp cùng nhau trong dự án hòa nhạc đặc biệt với số lượng nghệ sĩ giao hưởng lớn nhất từ trước đến nay - 100 nghệ sĩ, được tổ chức tại hai thành phố lớn nhất nước: TP Hà Nội và TPHCM.

Dự án The Great German Three B’s sẽ mang đến cho khán giả yêu âm nhạc những tác phẩm của ba tên tuổi vĩ đại thế giới là Beethoven, Bruch và Brahms, với sự tham gia của đông đảo NSND, NSƯT và trên 100 nghệ sĩ giao hưởng hàng đầu của Việt Nam, khai mở cơ hội trau dồi chuyên môn, nâng cao trình độ biểu diễn và cũng là cơ hội mang đến những chương trình nghệ thuật chất lượng đỉnh cao tới khán giả.

Dàn nhạc Giao hưởng HBSO

Dàn nhạc Giao hưởng HBSO

Tại TPHCM, đêm hòa nhạc diễn ra vào ngày 25-4, lúc 20 giờ tại Nhà hát Thành phố, thông qua ngón đàn điêu luyện của hai nghệ sĩ độc tấu tài năng.

Đó là NSƯT Bùi Công Duy (violin) - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh trực tiếp giảng dạy các học sinh violin được tuyển chọn đặc biệt, và đã có nhiều học trò xuất sắc đoạt giải thưởng quốc tế.

NSƯT Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

NSƯT Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Và nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo (viola) - anh từng học viola nhiều năm tại Paris, sau đó biểu diễn ở nhiều trung tâm âm nhạc châu Âu như Pháp, Ý, Áo, Tây Ban Nha... Năm 2015, anh trở về Việt Nam và hiện nay là thành viên của HBSO.

Nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo (viola)

Nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo (viola)

Chương trình diễn ra dưới sự dẫn dắt của Nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch.

NSƯT Trần Vương Thạch

NSƯT Trần Vương Thạch

Theo đó, chương trình sẽ lần lượt biểu diễn các tác phẩm: Egmont Overture của Beethoven - nói về một chiến binh nổi tiếng đấu tranh vì độc lập dân tộc Hà Lan; Double Concerto giàu âm điệu và giai điệu của Max Bruch; Bản giao hưởng số 4 tuyệt vời của Brahms - đây được coi là bản giao hưởng hay nhất trong số 4 bản giao hưởng của nhà soạn nhạc này, tác phẩm được kết thúc với phần "passacaglia" xuất sắc, một điệu nhảy thế kỷ 17 nhưng ở đây được thể hiện bởi dàn nhạc giao hưởng, minh họa cho niềm tin của Brahms rằng những gì tốt nhất của âm nhạc truyền thống châu Âu có thể và nên được đưa vào các tác phẩm đương thời.

Nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo cho biết, những người mới tiếp cận với thể loại âm nhạc cổ điển có thể cảm thấy khó hiểu và trừu tượng. Nhưng họ nên thư giãn, anh tin rằng, khi để trí tưởng tượng được tự do, tâm hồn của họ sẽ đón bắt được những trải nghiệm mới lạ, tuyệt vời, những vẻ đẹp khác thường của nghệ thuật âm nhạc cổ điển.

Tại Hà Nội, đêm diễn sẽ được tổ chức vào ngày 10-9, lúc 20 giờ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chương trình sẽ có thêm sự tham gia của nghệ sĩ piano trẻ tài năng Lưu Đức Anh, người đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Chương trình hòa nhạc hợp tác lần này cũng là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2021.

THU HƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hon-100-nghe-si-giao-huong-cung-trinh-dien-tai-buoi-hoa-nhac-the-great-german-three-bs-726334.html