Hơn 100 nước thành viên IMF kêu gọi được tài trợ tài chính khẩn cấp
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, cho biết có 102 trên 189 nước thành viên của IMF đã kêu gọi thể chế tài chính này hỗ trợ khẩn cấp để đối phó với hậu quả của dịch bệnh COVID-19.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, ngày 15/4 cho biết hơn 100 nước đã kêu gọi thể chế tài chính này tài trợ khẩn cấp, giữa bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong cuộc họp báo trực tuyến cho Hội nghị mùa Xuân năm 2020 kết hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), bà Georgieva nói rằng 102 trên 189 nước thành viên của IMF đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan này, một con số chưa từng có.
Bà nhận định đây là một cuộc khủng hoảng đặc biệt, đồng thời nhắc lại đánh giá của IMF rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Tổng Giám đốc IMF cũng khẳng định cơ quan này đã chuẩn bị để sử dụng khoản cho vay 1.000 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước.
IMF đã tăng gấp đôi các chương trình hỗ trợ khẩn cấp từ 50 tỷ USD lên tới 100 tỷ USD. Đồng thời, cơ quan này đang chuẩn bị hỗ trợ các nước khởi động lại đà tăng trưởng kinh tế sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc.
Bà Georgieva cũng lưu ý đến những thách thức mà thế giới sẽ phải đối mặt một khi đại dịch được kiểm soát, bao gồm khả năng các khoản nợ “phình to” và tình trạng phá sản gia tăng ở nhiều nước.
Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế phải tăng cường nỗ lực giúp đỡ các nước dễ bị tổn thương nhất bằng cách cung cấp tài trợ cũng như giãn nợ, từ đó tạo điều kiện chi tiêu cho các nhu cầu y tế khẩn cấp và giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19 cho các nước này.
Trong cuộc họp, Tổng Giám đốc IMF Georgieva và Chủ tịch WB David Malpass đều đánh giá cao quyết định của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về việc giãn nợ đối với các nước thu nhập thấp.
Việc giãn nợ sẽ kéo dài từ ngày 1/5 đến cuối năm nay, nhằm mục đích cho phép các nước nghèo giữ lại khoảng 12 tỷ USD để phục vụ hoạt động chăm sóc y tế và các nhu cầu khác phát sinh do dịch COVID-19.
Cuộc họp báo của IMF và WB diễn ra sau khi IMF ngày 14/4 công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới, trong đó nhận định nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm nay.
IMF nhận định mức giảm tại các nền kinh tế tiên tiến là trên 6% và cảnh báo những tổn thất về kinh tế sẽ tồi tệ hơn nếu đại dịch COVID-19 kéo dài.
Sang năm 2021, IMF dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,8%, trên cơ sở giả định rằng đại dịch COVID-19 sẽ lắng xuống trong nửa cuối năm nay và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có thể dần được nới lỏng.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo sẽ có những thay đổi lớn trong dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.