Hơn 100 tổng biên tập các cơ quan báo chí thảo luận sôi nổi về giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống

Được tổ chức tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) chiều 21-9, hơn 100 đại biểu dự Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 với chủ đề 'Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?' đã có những bàn luận sôi nổi và chất lượng.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: BBT.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: BBT.

Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giao Báo Nhà báo và Công luận tổ chức với 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?

Tham dự và chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng hơn 100 tổng biên tập các báo, tạp chí... trên toàn quốc.

Các đồng chí chủ trì diễn đàn. Ảnh: BBT.

Các đồng chí chủ trì diễn đàn. Ảnh: BBT.

Phát biểu khai mạc, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy nhấn mạnh: Diễn đàn là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề mới, nóng…; cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn. Còn Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nêu bật trong phát biểu chào mừng: “Tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với chủ đề của Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024. Đây cũng chính là vấn đề tỉnh Bình Thuận rất quan tâm khi tỉnh đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới”.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã đi sâu lý giải các vấn đề như: Tại Việt Nam, xu hướng báo chí giải pháp đã, đang được các cơ quan báo chí triển khai ra sao? Tại sao báo chí giải pháp nên là một trong những hướng đi chính yếu của báo chí Việt Nam? Báo chí giải pháp có phải là một trong những cách thức hiệu quả để báo chí Việt Nam phát triển và giữ vững vị thế trong bối cảnh hiện nay? Cách thức nào để triển khai báo chí giải pháp hiệu quả?...

Tham gia thảo luận, Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Nguyễn Minh Đức nhận định: "Trong thời đại công nghệ số, báo chí truyền thống, đặc biệt là báo in, đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ sự bùng nổ thông tin trên internet và sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu thụ tin tức của độc giả. Để tồn tại và phát triển, báo in cần không ngừng đổi mới nội dung và cách tiếp cận. Trong bối cảnh này, báo chí giải pháp (solutions journalism) nổi lên như một chiến lược tiềm năng để giúp các tờ báo in không chỉ tồn tại, mà còn phát triển mạnh mẽ".

Theo đồng chí Nguyễn Minh Đức, báo chí giải pháp tập trung vào việc đưa ra các giải pháp khả thi cho những vấn đề xã hội, thay vì chỉ đơn thuần trình bày vấn đề. Thay vì chỉ phản ánh những câu chuyện tiêu cực, báo chí giải pháp mang lại góc nhìn tích cực, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và khuyến khích hành động từ phía độc giả… Đây là một hướng đi mới có tiềm năng lớn, đặc biệt đối với các tòa soạn báo in truyền thống đang tìm cách thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường truyền thông số.

Còn Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nhận định, báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà phản ánh tiêu cực theo hướng kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nền tảng, đặt lợi ích của bạn đọc, của xã hội lên trên hết, trước hết. Cách thông tin này giúp báo chí tạo dựng được niềm tin với công chúng, sự đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức đặt ra....

Nhà báo Lê Quốc Minh trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: BBT.

Nhà báo Lê Quốc Minh trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: BBT.

Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: "Báo chí thế giới hiện cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất ra những thông tin giật gân như trước. Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều năm qua đã khuyến khích các cơ quan báo chí đi theo xu hướng báo chí giải pháp, báo chí xây dựng và cũng đã có những bước chuyển biến quan trọng".

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, báo chí xây dựng, báo chí giải pháp được hiểu là báo chí phản ánh thông tin, cũng như đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng, góp phần để xã hội tốt đẹp hơn, con người suy nghĩ tích cực hơn, thấy thêm yêu cuộc sống và muốn đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống. Lối làm báo truyền thống "5W" (who, what, where, when, why) được thay thế bằng “what now” và “how”.

Hiệu quả của báo chí xây dựng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; gia tăng tương tác với cơ quan báo chí...

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập lần thứ 6 năm 2024, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, nhiều vấn đề nóng bỏng trong lĩnh vực báo chí đã được các kỳ diễn đàn chọn làm vấn đề để đưa ra thảo luận, giúp cơ quan quản lý báo chí, cơ quan Nhà nước nhìn nhận, rà soát để sửa đổi chính sách, giúp báo chí phát triển.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã quyên góp cho “Quỹ ước mơ xanh" hướng về đồng bào các tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ.

Đức Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hon-100-tong-bien-tap-cac-co-quan-bao-chi-thao-luan-soi-noi-ve-giai-phap-huong-di-cho-bao-chi-truyen-thong-678914.html