Hơn 100 trường đại học công bố điểm chuẩn: Những ngành nào lấy điểm cao nhất?
Chiều qua 22/8, hàng loạt trường đại học công bố điểm chuẩn. Lấy điểm chuẩn cao nhất là ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội là 29,42, chuyện hy hữu đã xảy ra là hai thủ khoa khối A toàn quốc trượt nguyện vọng 1.
Tính đến thời điểm này, có khoảng 100 trường đại học công bố điểm chuẩn. Cao nhất là ngành Khoa học máy tính của Bách khoa Hà Nội Hà Nội lấy điểm chuẩn 29,42, mức điểm khiến hai thủ khoa khối A toàn quốc trượt nguyện vọng 1.
Ngành Khoa học máy tính luôn là ngành hot nhất trường vào nhiều thí sinh đã trúng bằng phương thức khác như xét tuyển tài năng, xét tuyển thẳng hay xét bằng điểm thi đánh giá tư duy. Đó là lý do đẩy điểm chuẩn ngành này năm nay lên cao.
Trong khi đó, điểm thi ba môn của thủ khoa khối A (Toán, Lý, Hóa) toàn quốc năm nay là 29,35. Tuy nhiên, Bách khoa Hà Nội có công thức tính điểm riêng.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngành cao nhất lấy 28,75 điểm.
Cụ thể, ngành Quan hệ công chúng xét theo tổ hợp C00 lấy cao nhất với 28,75 điểm; ngành Đông phương học và Báo chí xét theo tổ hợp C00 lấy 28,5 điểm; ngành Tâm lý học xét theo tổ hợp C00 lấy 28 điểm.
Năm ngoái, 3 ngành Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng lấy mức điểm lên tới 29,95. Điểm trúng tuyển ngành Báo chí của trường cũng lên đến 29,9 ở tổ hợp C00.
Như vậy, năm nay không có ngành nào điểm chuẩn 30 điểm nhưng với ngành cao nhất, thí sinh cũng phải trung bình đạt trên 9,5 điểm mới đỗ.
Theo lãnh đạo nhà trường giải thích, những ngành này có số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển lớn, trong khi chỉ tiêu không nhiều, dẫn đến điểm chuẩn tăng cao.
Điểm chuẩn Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) năm 2023 cao nhất ở ngành Truyền thông Marketing.
Ở thang 40 (tiếng Anh hoặc Toán nhân hệ số 2), điểm chuẩn dao động 35,65-37,1. Ngành Truyền thông Marketing (hệ POHE) cao nhất với 37,1 điểm. Với mức này, trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt hơn 9,27 điểm mới trúng tuyển.
Xét thang điểm 30, ngành Thương mại điện tử lấy điểm chuẩn cao nhất với 27,65 điểm, trung bình thí sinh phải đạt hơn 9,21 điểm. Nhiều ngành khác cũng lấy điểm chuẩn trên 27 là Marketing, Quan hệ công chúng, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Kế toán... Những ngành còn lại đều trên 26, thấp nhất là Quản lý công và Chính sách 26,1.
Điểm chuẩn Đại học Thương mại (TMU) năm nay lấy cao nhất ở ngành Marketing, theo thông báo chiều 22/8. Như vậy, với trung bình 9 điểm, thí sinh mới đỗ ở ngành cao nhất của trường này.
Theo công bố chiều 22/8, điểm chuẩn trường Đại học Kinh tế - Luật, ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 27,48 điểm. Hai ngành khác có điểm chuẩn trên 27 là Hệ thống thông tin quản lý (27,06) điểm, Digital Marketing (27,25 điểm)
Điểm trúng tuyển trung bình tính của lĩnh vực Kinh tế là 25,89 điểm; Kinh doanh 26,04 điểm; Luật 25,32 điểm.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lấy điểm chuẩn dao động 15-28,58, trong đó Ngành Sư phạm Lịch sử cao nhất là 28,58 điểm.
Tại trường Đại học Sư phạm Vinh, ngành Sư phạm Lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất Đại học Vinh với 28,12 điểm.
Ngành Báo chí có điểm chuẩn cao nhất trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM với 28 điểm, theo khối C00.
Ngành Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao nhất Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tăng 2 điểm so với năm ngoái.
Ngành Công nghệ Marketing có điểm chuẩn 27,2, cao nhất Đại học Kinh tế TP HCM.
Ngành Hải quan và Logistics của Học viện Tài chính (AOF) lấy điểm chuẩn 35,51 (thang 40), tức trung bình 8,9 điểm một môn mới đỗ
Ngành Trí tuệ nhân tạo lấy điểm chuẩn 27,8, cao nhất trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Sư phạm tiếng Anh cao nhất 37,21 trên thang 40 điểm.