Hơn 11.000 điểm cầu kết nối với Diễn đàn 'Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn'
Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2023, chiều 17/3, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn 'Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn'.
Đây là dịp để Ban Bí thư Trung ương Đoàn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài nước; trao đổi về những giải pháp của Đoàn, Hội, Đội để thực hiện những vấn đề mà các bạn trẻ đang quan tâm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Diễn đàn được kết nối với hơn 11.000 điểm cầu trong và ngoài nước, thu hút hơn 9,2 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tiếp cận trên các nền tảng trực tuyến, gồm hai phần theo các chủ đề: “Phát huy sức trẻ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; “Đồng hành, tạo môi trường để thanh thiếu nhi phát triển toàn diện”. Để chuẩn bị cho Diễn đàn, từ đầu tháng 3, Trung ương Đoàn đã chính thức tiếp nhận câu hỏi của các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước tại website: doithoai.doanthanhnien.vn.
Từ đầu cầu Quảng Ninh, bạn Nguyễn Mạnh Ninh gửi đến góc nhìn thú vị “muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải có con người số”; mong Đoàn giải đáp thêm về nội dung này.
Trả lời câu hỏi, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, muốn chuyển đổi số thành công phải có những con người làm việc được ở trong môi trường số, trong đó hai yếu tố quan trọng là về nhận thức số và năng lực số. Chuyển đổi số được xem là “thay đổi có tính chất phá hủy”, tức là thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, làm việc cũ. Do đó, nếu nhận thức không đúng vai trò thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi. Năng lực số chính là năng lực sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, thông tin - truyền thông; thái độ, kiến thức, kỹ năng giúp đoàn viên, thanh niên học tập, làm việc được trong môi trường số. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của Đoàn và các tổ chức khác là tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên rèn luyện nâng cao năng lực số.
Một câu hỏi khác được nhiều đoàn viên, thanh niên quan tâm là giải pháp giúp thanh niên tăng cường “sức đề kháng” trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội.
Liên quan nội dung này, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, năm 2022, từ đề xuất của Trung ương Đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030. Đây là cơ sở rất quan trọng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đoàn.
Theo đó, bên cạnh những tiện ích mang lại, không gian mạng cũng có những hệ lụy, nguy cơ đối với giới trẻ, nhất là việc tiếp cận với những thông tin xấu, độc, tin giả, những sản phẩm thông tin độc hại. Thời gian qua, Đoàn đã có nhiều ấn phẩm cung cấp kỹ năng để đoàn viên, thanh niên sử dụng mạng an toàn và an toàn trên không gian mạng.
Chúng ta phải tự trang bị để làm phong phú thêm kho tàng kiến thức, kỹ năng và cách để kiểm chứng thông tin trên các kênh thông tin chính thống. Đặc biệt, để thông tin bớt tiêu cực, cần có nhiều hơn những câu chuyện tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn nhấn mạnh.
Trước câu hỏi về giải pháp để thanh thiếu nhi ngày nay có cơ hội được tìm hiểu, quan tâm nhiều hơn nữa đến các giá trị truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc trong bối cảnh hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, một trong những giải pháp để tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận nhiều hơn đó là đưa được các nội dung về giáo dục lịch sử, văn hóa đất nước đến gần với thanh niên thông qua những giải pháp về số.
"Làm sao để hình thức gần gũi, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ tham gia hơn, là vấn đề cần được quan tâm và đầu tư. Bằng tình yêu với văn hóa, lịch sử, các bạn trẻ không chỉ tiếp nhận thông tin mà đã từng bước sản xuất nội dung hiện đại, rất gần gũi về các kiến thức, nội dung về văn hóa, lịch sử dân tộc", Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cho hay.
Tại Diễn đàn, nhiều câu hỏi, băn khoăn của đông đảo đoàn viên, thanh niên cả nước về các vấn đề như: Kế hoạch, hướng dẫn của Đoàn để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên góp phần xây dựng nông thôn mới, thôn bản trở thành những “Làng quê đáng sống”; giải pháp nâng cao tính bền vững, sức lan tỏa, tăng cường sự kết nối của phong trào thanh niên tình nguyện; định hướng về hoạt động tình nguyện quốc tế; phát triển, quảng bá văn hóa Việt Nam... đã được Ban Bí thư Trung ương Đoàn giải đáp.
Trong gần 3 giờ đồng hồ, đã có 573 câu hỏi được Ban Bí thư Trung ương Đoàn trả lời trực tiếp và trực tuyến trên website của Diễn đàn, trong số hơn 3.500 câu hỏi được gửi tới Diễn đàn.