Hơn 115 nghìn con trâu, bò tại Hà Tĩnh được tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục
Sau quá trình tập trung thực hiện, đến nay, hơn 115.300/145.900 con trâu, bò của 13/13 huyện, thị xã, thành phố tại Hà Tĩnh (đạt gần 80%) đã được tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục.
Các địa phương tập trung thực hiện công tác tiêm phòng trên đàn trâu, bò để sớm khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục. Trong ảnh: Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng vắc-xin tại huyện Đức Thọ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Bộ NN&PTNT đã tạo điều kiện để Hà Tĩnh đăng ký số lượng vắc-xin với các doanh nghiệp nhập khẩu và đã nhận về trên 117.000 liều vắc-xin để phân bổ về các địa phương.
Cùng đó, để chủ động phòng, chống và sớm khống chế dịch bệnh, các địa phương đã nhanh chóng huy động nhân lực, tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin trên trâu, bò theo hướng dẫn chuyên môn.
Sau quá trình tiêm phòng và theo dõi, đàn trâu, bò ở huyện Can Lộc phát triển ổn định.
Đến nay, hơn 115.300 con trâu, bò của 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã được tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục, trong đó ưu tiên đàn trâu, bò tại các địa phương đang có dịch và các địa phương có nguy cơ cao.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, số trâu, bò được tiêm phòng đến nay cơ bản đều khỏe mạnh, đã có kháng thể kháng vi-rút viêm da nổi cục, tỉ lệ sốc phản vệ thấp.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò còn tiếp tục diễn biến phức tạp, vì thế, ngành chuyên môn đề nghị khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn để đăng ký mua thêm vắc-xin và tổ chức tiêm phòng triệt để; tập trung huy động người hành nghề thú y có chuyên môn hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống dịch.
Thực hiện phun tiêu độc khử trùng, diệt trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng... là một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Cùng đó là theo dõi chặt chẽ trâu, bò sau tiêm phòng để kịp thời phát hiện, xử lý phản ứng, chăm sóc theo hướng dẫn; tập trung hướng dẫn người dân tự chủ động vệ sinh, phun hóa chất, vôi bột để sát trùng khu vực nuôi và thuốc diệt côn trùng; thực hiện giám sát tốt đàn gia súc, khi có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh thì phải kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền để có biện pháp xử lý.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, tổng số gia súc mắc bệnh chưa qua 21 ngày của toàn tỉnh là hơn 7.600 con thuộc 190 xã của 13 huyện, thị, thành phố. Trong đó, tổng số gia súc mắc bệnh chết, tiêu hủy gần 1.200 con với khối lượng hơn 132 tấn.