Hơn 14,4 triệu bản sách được trang bị cho các cơ sở xã, phường, thị trấn

Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2023).

Các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì.

Đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh; Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn được thực hiện từ năm 2009, do Ban Tuyên giáo T.Ư và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị chủ trì tổ chức từ năm 2009.

Tính chung trong giai đoạn 2009- 2023, Đề án cung cấp 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng sổ hơn 14,4 triệu bản in về cơ sở. Nội dung sách chủ yếu là: Kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sách về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về chủ quyền biên giới hải đảo; cung cấp kiến thức, kỹ năng công tác xây dựng Đảng, MTTQ, các đoàn thể; sách phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; chăm sóc sức khỏe gia đình...

Theo kết quả khảo sát tại một số tỉnh cho thấy có hơn 75% số cán bộ được hỏi đều đã tiếp cận với các thể loại sách thuộc Đề án.

Bên cạnh đó, Đề án đã đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản sách, tài liệu. Trong đó, xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng Internet (số hóa hơn 500 đầu sách của Đề án từ năm 2009 đến năm 2022; thư viện điện tử xã, phường, thị trấn phục vụ bạn đọc từ đầu năm 2020; xuất bản CD-Audio sách xã, phường, thị trấn dành cho đài phát thanh ở cơ sở...).

Ở tỉnh Bắc Giang, việc triển khai thực hiện Đề án được các cấp ủy, các ngành chuyên môn thực hiện nghiêm túc. Đến nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận gần 1.000 đầu sách, gồm cả sách giấy, đĩa CD-ROM và sách điện tử. Trong đó, sách giấy là gần 500 đầu sách; mỗi CD-ROM chứa 2-3 chuyên đề, còn lại là sách điện tử được khai thác tại website https://thuviencoso.vn.

Nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương của Ban Bí thư T.Ư, nhiệm vụ đặt ra là đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Đề án. Tiếp tục bám sát nhu cầu của cơ sở để nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đề tài - xuất bản sách cho xã, phường, thị trấn, sau khi được Ban Bí thư T.Ư phê duyệt chủ trương. Sách biên soạn là nguồn thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước phổ biến tới cơ sở; sử dụng ngôn ngữ phổ thông, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong việc tổ chức nghiên cứu, học tập sách; đưa nội dung tìm hiểu, học tập nội dung sách vào sinh hoạt đảng và chương trình, kế hoạch hành động. Đây được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài góp phần khắc phục có hiệu quả biểu hiện "lười đọc" của cán bộ, đảng viên hiện nay. Nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong nghiên cứu, học tập sách của Đề án.

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Biểu dương, đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của các cấp, ngành từ T.Ư đến cơ sở, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đề án phải được tổ chức thực hiện với nhận thức mới, quyết tâm mới và được lồng ghép, đặt trong mối quan hệ với các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án. Tập trung tăng cường nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó xác định mục tiêu, kế hoạch xuất bản phù hợp về đề tài, số lượng.

Đổi mới công tác lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung sách; bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng phát hiện, biểu dương và đề nghị nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo trong việc bảo quản và sử dụng sách. Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên mạng Internet để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu…

Tin, ảnh: Quốc Trường

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/417162/hon-14-4-trieu-ban-sach-duoc-trang-bi-cho-cac-co-so-xa-phuong-thi-tran.html