Hơn 158 nghìn doanh nghiệp 'chết lâm sàng', sức khỏe đáng báo động
158,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2023, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Điều này phản ánh 'sức khỏe' của doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những tín hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường cao, tốc độ thành lập DN mới giảm, dù năm 2023 đáng ra là giai đoạn quan trọng để DN phục hồi, chưa năm nào ảnh hưởng lớn như vậy.
DN đóng cửa vì... 'hết tiền'
Con số mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 201,5 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường là 158,8 nghìn DN, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), hơn một nửa số DN rời khỏi thị trường lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Những DN này có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm). Cứ 2 DN tạm ngừng kinh doanh, thì 1 đơn vị thời gian hoạt động ngắn. Khốc liệt hơn, cứ 3 DN giải thể, thì có tới 2 đơn vị non trẻ. Chủ yếu những DN này có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Trong báo cáo quý III của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng phản ánh “sức khỏe” của các DN bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên chưa hoàn toàn và diện rộng. Hiện, mỗi tháng có khoảng 107 DN bất động sản rời khỏi thị trường. Nhiều nơi đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, sống bằng niềm tin thị trường sẽ khôi phục cuối năm.
Thậm chí vừa qua, nhiều DN bất động sản, xây dựng thông báo tạm dừng hoạt động vì “hết tiền”. Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội cho biết tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 15/11 đến ngày 14/11/2024. PVR đã nhận được giấy xác nhận từ Sở KHĐT Hà Nội cấp về việc DN tạm ngừng kinh doanh 1 năm với lý do DN sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh.
Hay, công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) tại TP.HCM đã thông báo cơ cấu lại bộ máy nhân sự. HDTC cho biết sẽ tạm dừng hoạt động vì nguồn tài chính đang vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để trả lương cho cán bộ, nhân viên. HDTC thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11 cho đến khi công ty có thông báo mới.
Cũng có ý kiến cho rằng DN thành lập mới vẫn cao nhưng nhiều chuyên gia nhìn nhận, số DN ngừng hoạt động, giải thể là những DN đang hoạt động và tạo công ăn việc làm. Nếu DN giải thể có thể kéo theo thất nghiệp tăng cao, tác động tới tình hình kinh tế - xã hội.
Cần ngay giải pháp
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết lượng hàng tồn kho dệt may toàn cầu rất lớn, các nhà nhập khẩu kỳ vọng lễ Giáng Sinh, Tết Dương lịch sẽ giải phóng được bớt hàng tồn kho, từ đó khơi thông thị trường trong năm 2024.
Theo ông Giang, hiện nay nhiều DN đã có tín hiệu tốt về đơn hàng trong quý IV khi các nhãn hàng lớn quay trở lại mua và thị trường nóng lên. Tuy vậy, để nói là thoát khó thì chưa, bởi nhiều DN vẫn đang phải cầm cự nhận làm với lợi nhuận thấp để đảm bảo có việc làm cho người lao động.
Phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam (chia thành 10 ngành cụ thể) trong thời gian từ 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng chỉ ra, câu chuyện suy kiệt dòng tiền đang là vấn đề mà nhiều DN gặp phải.
Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của DN. Ngành nào có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lớn thì càng gặp khó khăn (Xây dựng: 1.14 lần; Hàng và dịch vụ tiêu dùng: 0.78 lần; bất động sản: 0.62 lần và Vật liệu xây dựng: 0.62 lần).
Khi so sánh chi phí lãi vay so với lợi nhuận sau thuế của DN thì thấy tỷ lệ rất đáng kể. Năm 2022, ngành xây dựng có tỷ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất, lên đến 375%, tiếp đó là hàng và dịch vụ tiêu dùng 44.8% và Bất động sản 40.2%. Điều này hàm ý, khi kinh doanh, DN chịu rủi ro chính nhưng thành quả được hưởng không nhiều, bị xói mòn do chi phí tài chính nên không có tích lũy để tái đầu tư.
Liên quan đến chi phí thuế, ¼ nhóm DN có quy mô nhỏ nhất 3 sàn có áp lực lớn nhất. Năm 2020, tỷ lệ chi phí thuế/lợi nhuận sau thuế lên đến 51,5%. Năm 2022, đa số DN nhóm này đều lỗ….
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho DN. Trong cơ cấu chi phí của DN, chi phí vận hành là trách nhiệm của DN và để cứu mình, nhiều DN đã phải chủ động cắt giảm chi phí, giảm quy mô hoạt động và quy mô lao động.
Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế -phí, chi phí bảo hiểm xã hội... nằm trong không gian chính sách của Nhà nước. Do đó, Chính phủ có thể trọng tâm thực hiện các chính sách giúp DN tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 (hoặc nửa đầu năm 2024 tùy độ trễ của chính sách). Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ DN vừa phải phân tích bài toán theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Ngày 29/11, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT từ 1/1/2024 đến hết 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%, trừ một số hàng hóa đặc thù. Theo DN, chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn trên, những chính sách hỗ trợ trên giống “một miếng khi đói bằng một gói khi no” rất cần thiết với các DN. Và Chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp cấp thiết như vậy.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy
Đoàn Bình Định
Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn số liệu DN thành lập mới cũng như DN xin tạm ngừng hoạt động, cụ thể tỷ lệ DN thành lập mới so với tỷ lệ số DN tạm ngừng hoạt động. Đồng thời, cần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, DN phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Qua đó cũng cần tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các DN, giãn khoản đóng góp cho DN như thuế, cho DN vay trả lương, chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà.
Ông Nguyễn Văn Phụng
Nguyên Cục trưởng Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế)
Một trong những giải pháp gỡ khó cho DN là giảm chi phí thuế, phí. Năm 2022 và 2023, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN và về mặt nào đó đã tác động tích cực đến DN. Cùng với đó, chính sách giảm phí đối với hạ tầng, gia hạn tiền thuê đất là rất tốt nhưng vấn đề mà chúng ta cần quan tâm là khâu thực thi, đưa chính sách vào cuộc sống. Thực tế, trong khi khó khăn, nhiều địa phương vẫn tăng giá đất, khiến DN dù được giảm phí thuê nhưng lại trả tiền nhiều hơn. Tôi đề nghị năm 2024, phải giữ nguyên giá đất như các năm trước.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực
Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bagico
Ở Việt Nam, cơ hội chuyển đổi trong các ngành kinh tế mới như năng lượng xanh, kinh tế số là có, dư địa cho tăng trưởng GDP là có nhưng phải quyết liệt. Tôi thấy một số ngành, lĩnh vực mới được nói nhiều gần đây là bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thương mại số… Việt Nam hoàn toàn có cơ hội, điều quan trọng phải cụ thể hóa chính sách thực hiện. Ngay như năng lượng xanh, trong khi chính sách của Việt Nam còn vướng mắc, DN khó khăn khi đổ nhiều tiền của phải nằm chờ bán điện.