Hơn 177.600 trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh hân hoan chào đón năm học mới
Hôm nay 5/9/2023, đúng 7 giờ 30 phút, cùng với học sinh trong cả nước, hơn 177.600 trẻ mầm non và học sinh phổ thông, trong đó có hơn 42.700 học sinh đầu các cấp học trên địa bàn tỉnh hân hoan khai giảng năm học mới.
Theo đó, đối với cấp học mầm non tổ chức khai giảng “Ngày hội đến trường của bé” một cách sáng tạo, vui tươi, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Tất cả các trường phổ thông tổ chức khai giảng theo hình thức trực tiếp, với tinh thần gọn nhẹ, chu đáo, trang trọng và ý nghĩa, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo an toàn về sức khỏe đối với học sinh, giáo viên và bảo vệ môi trường, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội khai trường. Ngay sau lễ khai giảng, trong buổi sáng cùng ngày các nhà trường ổn định và duy trì nền nếp, tổ chức dạy học.
Hào hứng đón chào khai giảng năm học mới, em Hồ Thị Tú Linh, học sinh lớp 6 Trường THCS Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, năm nay vào đầu cấp THCS, em được bố mẹ chuẩn bị sách vở, quần áo mới từ hơn 1 tháng nay nên rất háo hức mong chờ được hòa chung không khí ngày khai trường. Em cũng được may mới một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình để mặc đi học và trong những dịp lễ.
Với em Phạm Xuân Bảo Khang, học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Lợi cho biết, khai giảng năm học này đối với em rất có ý nghĩa bởi vì là khai giảng đầu cấp THPT, được học ở trường mới, thầy cô và bạn mới. Đây là cấp học quan trọng của bản thân, giúp em định hướng nghề nghiệp tương lai. Em xác định phải cố gắng thật nhiều, tận dụng hết mọi cơ hội để lĩnh hội kiến thức, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học sau này.
Cô Phan Thị Mỹ Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Linh Trường, huyện Gio Linh cho biết, cô được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện điều động đến công tác tại trường này kể từ năm học 2023-2024. Lần đầu tiên dạy học ở ngôi trường có đa số học sinh là dân tộc thiểu số, cô Duyên rất cảm động. Sáng hôm nay, lễ khai giảng được tổ chức tại điểm trường chính nên nhà trường đã thuê xe ô tô chở học sinh từ hai điểm trường lẻ về điểm chính. Lễ khai giảng diễn ra trang trọng, ấm áp trong niềm vui tươi của học sinh và giáo viên sẵn sàng cho một năm học mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương cho biết, nhằm chuẩn bị cho năm học mới, ngành đã tích cực triển khai các giải pháp huy động học sinh đến trường, đặc biệt là ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn. Chú trọng triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng mở rộng mô hình phổ thông dân tộc bán trú tạo thuận lợi cho học sinh, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Sở và các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục theo kế hoạch của Tỉnh ủy và đề án của UBND tỉnh. Việc sáp nhập, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đã giảm được đầu mối, tinh gọn bộ máy, tăng quy mô trường lớp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Phối hợp với Sở Nội vụ thống nhất số lượng, chức danh để triển khai tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục; đồng thời điều động, cân đối giáo viên trong nội khối và giữa các khối để khắc phục từng bước tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Trong đó, ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tính đến ngày 31/5/2023, toàn ngành thiếu 538 cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp. Cụ thể, mầm non thiếu 274 người; tiểu học thiếu 174 người; THCS thiếu 24 người; THPT thiếu 56 người.
Theo bà Lê Thị Hương, về cơ sở vật chất, sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học phối hợp với phụ huynh học sinh và đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh, nhất là đối với học sinh các lớp: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11.
Quán triệt các đơn vị, trường học triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022 của Bộ GDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỉ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập.
Chỉ đạo các trường học bố trí nguồn kinh phí hợp lý và huy động các nguồn hỗ trợ để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp và ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Đồng thời sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông qua tổ chức đoàn - đội, giáo viên chủ nhiệm lớp để triển khai tổ chức hoạt động sinh hoạt chính trị đầu khóa cho học sinh với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đơn vị và đối tượng học sinh; tỉ lệ học sinh tham gia sinh hoạt chính trị đầu khóa đạt 99%...