Hơn 2.000 hội đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Theo thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương, chiều 19/6, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ có buổi làm việc với tỉnh về công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, tỉnh Hải Dương đã báo cáo với đoàn kiểm tra về tình hình hoạt động, kết quả hoạt động của các tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, hoạt động của các tổ chức hội, quỹ cơ bản ổn định, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh, nhất là các lĩnh vực công tác xã hội, từ thiện, sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề, giáo dục truyền thống, khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới…
Theo báo cáo của Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 2.330 hội hoạt động, trong đó 1.401 hội có tính chất đặc thù và có 4 quỹ nhân đạo, từ thiện. Nhiều hội trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình, tích cực hoạt động và triển khai có hiệu quả các mô hình hoạt động.
Trao đổi tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ tại tỉnh, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh trong kiểm tra giám sát hoạt động của các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện sau khi cấp phép.
Đoàn kiểm tra yêu cầu tỉnh làm rõ về việc đánh giá kết quả hoạt động và tính hiệu quả của nguồn quỹ. Những quỹ có sự tài trợ của tổ chức nước ngoài, tỉnh cần có những biện pháp để phòng, chống rửa tiền, để các quỹ, hội hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và hiệu quả.
Hải Dương kiến nghị với đoàn kiểm tra tập hợp ý kiến để đề xuất có cơ chính sách phù hợp với từng địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của các hội, quỹ hiện nay. Cụ thể, ở cấp tỉnh việc quản lý nhà nước về hội giao cho các sở, ngành theo dõi, quản lý hoạt động các hội theo chuyên ngành cùng cấp.
Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho chính phủ ban hành quy định về chế độ thù lao với lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù không phải là người nghỉ hưu, công chức, viên chức, không hưởng chế độ chuyên trách, không chuyên trách ở các cấp hội.
Trung ương cần quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực ngành nghề mà hội hoạt động; nghiên cứu để giao Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ theo tình hình thực tế địa phương có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động cấp huyện.