Hơn 2.200 đơn vị ở Thanh Hóa chậm đóng bảo hiểm

Số liệu vừa báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho thấy có hơn 2.200 đơn vị trên địa bàn tỉnh này chậm đóng bảo hiểm với số tiền gần 500 tỷ đồng.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quý 4/2024.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2024, trên địa bàn tỉnh có 2.282 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng là hơn 474 tỷ đồng, trong đó chậm đóng ở khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể là 2.264 đơn vị với số tiền chậm đóng là hơn 471 tỷ đồng, chiếm hơn 99% trong tổng số; chậm đóng ở khối hành chính sự nghiệp là 18 đơn vị với tổng số tiền chậm đóng là 2,39 tỷ đồng.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, việc đóng bảo hiểm của các đơn vị còn tồn tại các hạn chế như, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp BHXH, BHYT; việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm còn hạn chế, kết quả chưa cao. Một số doanh nghiệp chưa phối hợp với cơ quan BHXH trong quá trình thực hiện hoặc cam kết lộ trình chuyển tiền chậm đóng nhưng không thực hiện.

Công nhân Công ty cổ phần May Vạn Hà ngừng việc đòi quyền lợi hôm 21-22/1/2025.

Công nhân Công ty cổ phần May Vạn Hà ngừng việc đòi quyền lợi hôm 21-22/1/2025.

Số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài, nhưng chưa trích nộp, dẫn đến số tiền chậm đóng ngày càng tăng và tăng với số tiền lớn như: Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort có 332 lao động chậm đóng 43 tháng với số tiền hơn 33 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 43 lao động chậm đóng 94 tháng với số tiền gần 18 tỷ đồng; Công ty cổ phần May Vạn Hà có 786 lao động chậm đóng 16 tháng với hơn 13 tỷ đồng...

Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết lao động, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh kiểm tra nhiều lần nhưng chưa thu hồi được tiền chậm đóng như: Công ty CP xây dựng Hancorp.2 chậm đóng 148 tháng với số tiền hơn 41 tỷ đồng; Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chậm đóng 137 tháng với số tiền hơn 8 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên JLG Vina chậm đóng 55 tháng với số tiền hơn 6 tỷ đồng...

Một số giải pháp mà Bảo hiểm y tế tỉnh Thanh Hóa đưa ra để giải quyết thực trạng trên trong năm 2025 như, tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền; thực hiện quy trình quản lý, đôn đốc thu nộp bảo hiểm; thanh tra chuyên ngành đột xuất; công khai danh tính các đơn vị chậm đóng bảo hiểm...

Hoàng Lam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hon-2200-don-vi-o-thanh-hoa-cham-dong-bao-hiem-post1712550.tpo