Hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo bắt đầu hành hương về Mecca
Khoảng 2,5 triệu tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đang hướng tới thánh địa Mecca ở Arab Saudi vào dịp Lễ hành hương Hajj. Phần lớn người hành hương là tín đồ Hồi giáo từ nước ngoài.
Lễ hội lớn của người Hồi giáo
Hajj là một trong những cuộc họp mặt lớn nhất của người Hồi giáo và là việc mà tín đồ Hồi giáo phải thực hiện ít nhất một lần trong đời. Hành hương Hajj bao gồm một loạt các nghi thức tôn giáo trong vòng 5 ngày tại thánh địa Mecca và các khu vực xung quanh ở phía Tây Saudi Arabia.
Nhà chức trách Arab Saudi đã cấp hơn 1,8 triệu thị thực trực tuyến cho người hành hương nhập cảnh nước này và cho rằng đây là nột “thành công” bất chấp quan hệ giữa Iran và Arab Saudi vẫn căng thẳng. Năm nay có hơn 88.000 tín đồ Hồi giáo Iran tham dự Lễ hành hương Hajj.
“Chúng tôi cảm thấy được gột rửa khi đạt được một trong những điều bắt buộc của người Hồi giáo và gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Thật tuyệt vời” - một người hành hương tên Mohamed Jaafar, 40 tuổi, đến từ Ai Cập, nói.
“Đó là một cảm giác không thể diễn tả được. Bạn phải sống nó để hiểu nó” - một người Algeria, 50 tuổi, vừa hoàn thành cuộc hành hương đầu tiên trong đời mình, cho hay.
Thánh địa Mecca nằm giữa một thung lũng sa mạc, là nơi có đền Kaaba. Kabaa có cấu trúc hình khối, được phủ vải đen thêu chỉ vàng bên ngoài, và cũng là tâm điểm của đạo Hồi. Phiến đá đen Kaaba được đặt trong đền, nơi được cho là nơi đấng tiên tri Mohammed ra đời.
Người Hồi giáo khắp nơi thế giới cầu nguyện hướng về Kaaba, gần khu vực Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed, và đi bộ quanh Kaaba bảy lần. Sau đó, các tín đồ sẽ tham gia vào “buổi cầu nguyện vào sáng Thứ Sáu hàng tuần”.
Trong cuộc hành hương, những dòng người nam và nữ riêng biệt, được chia theo quốc tịch sẽ đi bộ hay bằng xe buýt tới quận Mina, gần thánh địa Mecca. Tại đây, tín đồ sẽ leo Núi Arafat, còn được gọi là “Núi của lòng thương xót”, để cầu nguyện và đọc kinh Koran hàng giờ liền. Sau khi xuống núi, họ nhặt đá cuội và thực hiện nghi thức “ném đá quỷ dữ”.
Đó là nghi thức cuối cùng để mở đầu cho đại lễ Eid al-Adha, lễ hội của sự hy sinh, vào ngày 11/8 tới. Những người hành hương sau đó quay trở lại đi bộ xung quanh ngôi đền hình khối Kaaba bảy lần.
Trong bối cảnh căng thẳng
Năm nay, Hajj diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Vùng Vịnh sau một loạt các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu, vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ và bắt giữ các tàu chở dầu. Chính quyền Riyadh đổ lỗi cho Tehran vì tấn công vào đường vận chuyển thương mại quan trọng trên Vùng Vịnh, tuy nhiên Iran liên tục phủ nhận các cáo buộc từ Arab Saudi.
Hãng tin AFP cho biết mặc dù Iran và Arab Saudi không có quan hệ ngoại giao nhưng vẫn có khoảng 88.550 tín đồ Hồi giáo Iran sẽ tham gia hành hương Hajj. Chính quyền Riyadh nhấn mạnh Hajj là một sự kiện tôn giáo lớn và đã tìm cách ngăn chặn chính trị hóa sự kiện này.
Riyadh từng tuyên bố cấm vận 2 năm đối với Qatar, bao gồm các hạn chế đối với người Qatar khi tới Arab Saudi, nhưng Riyadh cho biết điều này không ảnh hưởng đến cuộc hành hương năm nay. Bộ trưởng phụ trách Hajj của Arab Saudi đã cáo buộc Qatar chính trị hóa Hajj và gây những trở ngại cho người hành hương nước này.
Quy mô của cuộc hành hương đặt ra những thách thức vô cùng lớn về an ninh và hậu cần với hàng chục ngàn binh lính của Arab Saudi đã được triển khai.
“Tất cả các lực lượng nhà nước đã được triển khai và chúng tôi tự hào được phục vụ với tư cách là ‘quê hương của thánh Allah’” - phát ngôn viên của lực lượng an ninh Arab Saudi, Bassam Attia, nói.
Năm 2015, Riyadh đã phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ khi khoảng 2.300 tín đồ đã bị thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tồi tệ nhất tại quận Mina - theo AFP.
* Năm nay, Hajj diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Vùng Vịnh sau một loạt các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu, vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ và bắt giữ các tàu chở dầu. Chính quyền Riyadh đổ lỗi cho Tehran vì tấn công vào đường vận chuyển thương mại quan trọng trên Vùng Vịnh, tuy nhiên Iran liên tục phủ nhận các cáo buộc từ Arab Saudi.