Hơn 20.000 phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú trong năm 2020

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 21.555 ca mắc mới ung thư vú. Đây là bệnh đứng đầu trong nhóm ung thư phổ biến nhất ở nữ giới.

Theo thống kê từ Globocan một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agence on Cancer Research – IACR) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), 5 căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới tại Việt Nam là ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4%). Trong đó, ung thư vú chiếm 25,8% với 21.555 ca mắc mới và 9.345 trường hợp tử vong.

Số liệu thống kê của Globocan về tỷ lệ các bệnh ung thư tại Việt Nam. (Nguồn:Sưu tầm)

Số liệu thống kê của Globocan về tỷ lệ các bệnh ung thư tại Việt Nam. (Nguồn:Sưu tầm)

So với thống kê năm 2018 của Globocan, tỷ lệ phần trăm nữ giới mắc ung thư vú tăng 5 % (năm 2018, tỷ lệ này ở mức 20,8%). Đáng chú ý, không chỉ xuất hiện ở tầng lớp trung niên, căn bệnh ung thư vú đã xuất hiện ở những phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình.

Nguyên nhân

Một số yếu tố nguy cơ tồn tại làm tăng tỷ lệ ung thư vú của nữ giới bao gồm:

- Phụ nữ lớn tuổi (trên 50 tuổi), phụ nữ chưa có con hoặc sinh con sau 30 tuổi cũng có khả năng cao.

- Do di truyền, nếu trong nhà có mẹ hoặc chị mắc bệnh trước thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ các cặp gen kết hợp lại với nhau gây ra ung thư vú cao hơn.

- Có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).

- Một số nghiên cứu cho hay phụ nữ có thói quen hút thuốc, uống rượu bia trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt có đến 70% phát triển ung thư trước tuổi 50 cao hơn so với những người không hút.

- Phụ nữ có mô vú dày, điều trị xạ trị ở ngực trước tuổi 30, người béo phì.

- Hormone thay thế trị liệu (HRT; estrogen cộng với progesterone) làm tăng nguy cơ ung thư vú nhẹ sau 5 năm điều trị.

- Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ một chút nếu được sử dụng trong nhiều năm.

Triệu chứng

Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh nhân có thể cảm nhận được các triệu chứng sau:

- Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay

- Xuất hiện khối u cứng ở vú

- Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng

- Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy

- Vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau.

Triệu chứng rõ rệt nhất là các dấu hiệu cảm nhận được từ bên ngoài như đau, sưng,.. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng rõ rệt nhất là các dấu hiệu cảm nhận được từ bên ngoài như đau, sưng,.. (Ảnh minh họa)

Các giai đoạn bệnh và cách điều trị

Ung thư vú chia làm 05 giai đoạn. (Ảnh minh họa)

Ung thư vú chia làm 05 giai đoạn. (Ảnh minh họa)

- Ung thư vú giai đoạn 0 (Giai đoạn đầu): Ở giai đoạn đầu này, các tế bào ung thư vú được bác sĩ phát hiện ra trong các ống dẫn sữa. Thời điểm này, ung thư vú không xâm lấn, có nghĩa là ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ. Bệnh nhân sẽ được điều trị bệnh ung thư vú để ngăn chặn sự di căn của bệnh. Thường thì bệnh nhân chỉ cần cắt bỏ khối u và sử dụng thêm phương pháp xạ trị.

- Ung thư vú giai đoạn 1: Ở giai đoạn 1A, khối u vẫn có kích thước nhỏ từ 2cm và các hạch bạch huyết chưa bị ảnh hưởng. Còn khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 1B sẽ không chỉ có khối u ở vú mà còn tìm thấy khối u tại các hạch bạch huyết ở nách. Ở cả 2 giai đoạn này, nếu được phát hiện bệnh sớm, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật kết hợp một số liệu pháp để điều trị bệnh.

- Ung thư vú giai đoạn 2: Ở giai đoạn 2, các khối u có kích thước từ 2 – 5cm và có thể chưa lây lan sang các hạch bạch huyết hoặc sang các hạch nách. Giai đoạn này được chia là 2 giai đoạn nhỏ: 2A và 2B.

+ Giai đoạn 2A: Chưa xuất hiện u nguyên phát và chưa đến 4 hạch bạch huyết. Kích thước khối u nhỏ hơn 2cm và chưa đến 4 hạch bạch huyết; Khối u từ 2-4cm và chưa lan tới hạch bạch huyết và hạch dưới cánh tay.

+ Giai đoạn 2B: Khối u đã phát triển và có kích thước từ 2 đến 4cm, đã tìm thấy các cụm tế bào ung thư trong hạch bạch huyết, từ 1-3 hạch bạch huyết ở nách hoặc gần xương ức. Cũng có những trường hợp, kích thước khối u lớn hơn 5cm và chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết.

Bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 2 nên kết hợp các liệu pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kích thích tố sẽ đem lại khả năng thành công tốt nhất.

- Ung thư vú giai đoạn 3: Khi bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, thì các khối u trong cơ thể đã lan rộng 4 – 9 hạch bạch huyết ở nách hoặc phù các hạch bạch huyết bên trong vú. Ở giai đoạn này, liệu pháp điều trị cho bệnh nhân cũng giống với giai đoạn 2. Nếu bác sĩ phát hiện ra có khối u nguyên phát lớn, thì bệnh nhân sẽ phải dùng thêm biện pháp hóa trị để làm nhỏ khối u trước khi tiến hành phẫu thuật.

- Ung thư vú giai đoạn 4 (giai đoạn cuối): Giai đoạn này được xem là giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh. Ung thư vú thường di căn đến xương, não, phổi và gan. Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị toàn thân tích cực, đây là phương pháp phổ biến đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn cuối.

Với bệnh ung thư vú, nếu phát hiện sớm, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, phụ nữ cần chủ động theo dõi bản thân, thường xuyên áp dụng các cách kiểm tra vùng ngực tại nhà. Nếu xuất hiện bất thường, cần đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra.

Lan Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hon-20000-phu-nu-viet-nam-mac-ung-thu-vu-trong-nam-2020-550727.html