Hơn 20 trí thức lên tiếng vì 'Việt Nam hôm nay và ngày mai'

Hơn 20 nhà trí thức đã lên tiếng, đóng góp những ý kiến đầy tâm huyết về các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối diện. Tất cả được tập hợp trong cuốn sách 'Việt Nam hôm nay và ngày mai' với mong muốn tương lai đất nước sẽ tốt đẹp hơn.

Các nhà trí thức tham gia giao lưu, trao đổi với các bạn đọc TP. HCM

Ngày 24/4, các nhà trí thức trong nhóm tác giả cuốn sách "Việt Nam hôm nay và ngày mai" đã có buổi giao lưu, trao đổi với bạn đọc tại Đường sách TP. HCM xoay quanh những ý kiến tâm huyết về tương lai của đất nước.

Sách "Việt Nam hôm nay và ngày mai" do GS Trần Văn Thọ và TS Nguyễn Xuân Xanh xây dựng đề cương, tập hợp những ý kiến tâm huyết của 22 nhà trí thức về các vấn đề Việt Nam đang đối diện. Sách được NXB Đà Nẵng ấn hành cùng sự hỗ trợ của Đại học Hoa Sen.

Với mong muốn đóng góp trí tuệ để góp phần làm cho tương lai đất nước tốt đẹp hơn, 22 nhà trí thức đã có ý kiến đóng góp đến hầu hết các lĩnh vực để giải quyết những bức xúc về nhiều mặt hiện nay.

Cuốn sách được phân làm 4 phần, đề cập đến các mặt của đất nước. Từ thực trạng hiện nay, các nhà trí thức phân tích và phát ra thông điệp cải cách hoặc kiến tạo để Việt Nam có ngày mai thịnh vượng, tươi đẹp.

Đơn cử, nhà trí thức Huỳnh Bửu Sơn cho rằng: “Ý thức hệ dân tộc, nhà nước chính danh và một giới tinh hoa yêu nước là 3 nhân tố cần thiết giúp xây dựng đoàn kết thống nhất trong cộng đồng dân tộc”.

Còn nhà trí thức Vũ Ngọc Hoàng góp ý về những giá trị Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do và Hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập 75 năm trước cần được bảo vệ trước “sự tha hóa quyền lực” đã diễn ra lâu năm do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực và thực thi dân chủ, các khuyết điểm của nhiều nhiệm kỳ trong công tác cán bộ, cũng như do khoa học chưa làm được nền tảng cho các cải cách và quyết sách.

Suy nghĩ về thế giới và nước ta sau đại dịch Covid-19, nhà trí thức Nguyễn Trung gửi đến công chúng thông điệp rằng sau đại dịch chỉ có một trật tự quốc tế mới dành cho nhân dân Việt Nam “một con đường sống duy nhất”. Đó là “phải trở thành một dân tộc trưởng thành và dấn thân… quyết xây dựng quốc gia phát triển, và dấn thân cùng với trào lưu tiến bộ của nhân loại cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển! Với tất cả ý chí: Sống hay là chết!”

Từ nhận định cho rằng mô hình của Việt Nam hiện đang gặp “trục trặc”, nhà trí thức Huỳnh Thế Du gợi ý để đạt được các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cần giảm nhẹ tính chất “ý thức hệ” để có những cuộc thảo luận khoa học, cởi mở và hữu ích hơn giữa Đảng và giới trí thức. Đảng cũng cần chấp nhận việc kết nạp người tài vào bộ máy quản trị đất nước, vì lợi ích tối cao của quốc gia.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục - y tế, nhà trí thức Nguyên Ngọc nêu lên sự khác biệt lớn giữa Tây và Ta: Giáo dục Tây chú ý vừa tính đại chúng, nhưng cũng vừa có tính tinh hoa cho thiểu số để có năng lực nhận ra và lý giải những câu hỏi lớn của thời đại, tức phải biết “nghĩ khác”, trong khi giáo dục Việt Nam nhằm đào tạo con người “đồng dạng”, điều chưa hẳn tốt cho phát triển.

Nhà trí thức Giáp Văn Dương chia sẻ kinh nghiệm về tầm nhìn và cách quản trị. Trong đó có góp ý, người làm giáo dục phải có tầm nhìn tối thiểu 30 - 50 năm về tương lai, để việc giáo dục những học sinh 6 tuổi năm nay bước vào lớp 1, thì 30 năm sau sẽ đơm hoa kết trái, để Việt Nam sẽ vươn lên trở thành một nước phát triển và hùng cường trên thế giới.

Thẳng thắn cho rằng giáo dục đại học Việt Nam là một di sản “cực kỳ phức tạp” với nhiều khuyết tật, nhà trí Thức Huỳnh Như Phương đã mô tả tính phức tạp, chỉ ra các khuyết tật và đề khởi cách giải quyết, đồng thời hy vọng những nhà giáo dục chân chính “dù vẫn nhận đồng lương quá thấp và chịu những áp lực ngày càng đè nặng trên vai, họ vẫn cho thấy nghề giáo là một nghề đòi hỏi nhiều lương tri” và “chính họ mới là những người có tư cách đại diện cho nghề nghiệp cao quý”...

Sau buổi giao lưu, trao đổi với bạn đọc phía Nam tại Đường sách TP. HCM, các nhà trí thức trong nhóm tác giả cuốn sách "Việt Nam hôm nay và ngày mai" sẽ tiếp tục tổ chức giao lưu và trao đổi xoay quanh những ý kiến tâm huyết về tương lai của đất nước với bạn đọc Hà Nội vào ngày 8/5/2021 và với bạn đọc Đà Nẵng vào ngày 15/5/2021.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-20-tri-thuc-len-tieng-vi-viet-nam-hom-nay-va-ngay-mai-post129711.html