Hơn 200 trẻ mẫu giáo nhiễm độc chì: Những uẩn khúc chưa có lời giải
Vụ hơn 200 học sinh mẫu giáo Trung Quốc bị phát hiện có nồng độ chì trong máu bất thường dường như chứa đựng uẩn khúc chưa có lời giải.

Hình ảnh từ camera giám sát do phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải dường như cho thấy quá trình sản xuất loại thực phẩm bị nghi ngờ. (Ảnh: 1news.co.nz)
Hơn 200 trẻ nhiễm độc chì do phẩm màu công nghiệp
Chính quyền thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc mới đây cho biết đã bắt giữ 8 người, gồm hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hợp Thị Bồi Tân (Heshi Peixin), sau khi điều tra phát hiện 233 học sinh bị phơi nhiễm chì.
Nguyên nhân được cho là do nhân viên nhà bếp của trường đã sử dụng sơn công nghiệp chứa chì độc hại làm phẩm màu thực phẩm.
Vụ việc lập tức gây phẫn nộ trong dư luận. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, vụ việc đã trở thành tâm điểm của bức xúc mất niềm tin vào cách xử lý của chính quyền địa phương.
Một bà mẹ ở Thiên Thủy (không có con theo học tại trường đang bị điều tra) đã chia sẻ với CNN rằng nhiều gia đình tại địa phương không tin vào kết luận của chính quyền.
“Tất cả phụ huynh đều nghĩ rằng thực phẩm không phải là nguồn gây ngộ độc chì. Tuy nhiên chúng tôi không biết chính xác lý do… làm sao chúng tôi có thể biết được điều gì?” bà mẹ giấu tên nói qua điện thoại với CNN.
Kết quả xét nghiệm mâu thuẫn và nghi vấn điều tra không minh bạch
Một trong những điểm gây tranh cãi nhiều nhất là sự khác biệt lớn giữa kết quả xét nghiệm máu tại Thiên Thủy và kết quả từ các bệnh viện tại Tây An — thành phố thuộc tỉnh lân cận — nơi một số phụ huynh đưa con đi xét nghiệm. Chính quyền Thiên Thủy không công bố công khai kết quả xét nghiệm tại địa phương.
Một bà mẹ có con học tại trường mẫu giáo nói với Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) rằng cơ quan y tế địa phương thông báo con bà có chỉ số chì bình thường, nhưng bệnh viện ở Tây An lại phát hiện nồng độ chì trong máu của cháu lên tới 528 microgam/lít — mức được Trung Quốc xếp loại là “nhiễm độc chì nghiêm trọng.”
Theo các bài báo thuộc truyền thông nhà nước, có 70 trẻ em được xét nghiệm tại Tây An có chỉ số chì vượt ngưỡng ngộ độc, trong đó 6 trường hợp vượt quá 450 microgam/lít. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đầy đủ của tất cả học sinh có dấu hiệu bất thường vẫn chưa được công khai.
Trong báo cáo điều tra, chính quyền địa phương nói đã lấy mẫu tại trường mẫu giáo và 3 cơ sở liên quan, kiểm tra thực phẩm, nước, đất ngoài trời và các thiết bị.
Hai mẫu thực phẩm là bánh và xúc xích ngô được phát hiện có hàm lượng chì cao gấp hơn 2.000 lần tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia.
Tuy nhiên, các câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra. “Bọn trẻ chỉ ăn bánh hấp 3 màu và xúc xích ngô 1 đến 2 lần mỗi tuần, sao lại bị nhiễm độc nghiêm trọng như vậy?” — bà mẹ họ Ngô chia sẻ với CNR.
Một số ý kiến thắc mắc tại sao nhà trường, theo lời chính quyền là muốn “thu hút thêm tuyển sinh và tăng doanh thu”, lại không dùng phẩm màu thực phẩm thông thường, vốn rẻ hơn sơn công nghiệp theo các trang thương mại điện tử.
Một số người cũng hoài nghi về độ tin cậy của đoạn video từ camera giám sát được chỉnh sửa và công bố, được cho là ghi lại cảnh sử dụng phẩm màu trong nhà bếp của trường.
Nỗi lo của người dân cũng bị khơi lại bởi ký ức về vụ nhiễm độc chì năm 2006 ở chính khu vực này tại Thiên Thủy.
Khi đó, hơn 200 người dân nông thôn bị phát hiện có lượng chì trong máu cao qua các xét nghiệm do cơ sở bên ngoài thành phố thực hiện. Nguồn gốc gây nhiễm độc trong vụ đó chưa bao giờ được công bố chính thức.

Trường mẫu giáo Hợp Thị Bồi Tân (Heshi Peixin).
Tiếng nói của nhân vật nổi tiếng
Vụ việc lần này thu hút sự chú ý của nhiều nhân vật nổi tiếng trên mạng Trung Quốc, gồm ông Hồ Tích Tiến — nguyên Tổng biên tập tờ Global Times, một cơ quan truyền thông nhà nước.
“Các câu hỏi về ô nhiễm môi trường là chính đáng, nhưng người nêu nghi vấn cần giữ sự khách quan khi phân tích, không nên coi những nghi ngờ liên tưởng này là báo động khẩn cấp để phát tán ra xã hội,” ông Hồ viết trên mạng xã hội Weibo hôm 9/7.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh “chìa khóa là chính quyền cần cung cấp đầy đủ thông tin để củng cố lòng tin của công chúng.”
Giáo sư Stuart Khan, Trưởng Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Sydney, Australia, nói với CNN rằng nồng độ chì trong máu cao như các báo cáo nhà nước đề cập “thường đòi hỏi phải tiếp xúc thường xuyên trong nhiều tuần đến vài tháng, trừ khi có một vụ nhiễm độc cấp tính nghiêm trọng.”
Ông nói thêm rằng mức chì trong máu có thể tăng dần theo “phơi nhiễm môi trường liên tục.”
Theo ông Khan, người không tham gia vụ việc, có thể loại trừ các nguồn gây ô nhiễm như thực phẩm, đất hay nước bằng cách tiến hành đánh giá trong cộng đồng rộng hơn và cả người thân trong gia đình các em nhỏ để xác định nhóm bị ảnh hưởng chính.
Tình trạng nhiễm độc chì từng phổ biến tại Trung Quốc. Năm 2010, chính phủ trung ương lần đầu tiên phân bổ quỹ đặc biệt để ngăn ngừa ô nhiễm kim loại nặng, sau ít nhất 12 vụ việc nghiêm trọng trong năm trước khiến hơn 4.000 người có nồng độ chì trong máu tăng cao, theo truyền thông nhà nước.
Theo CNN