Hơn 200 vụ kiện trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump

Chỉ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ hai, chính quyền Trump đã vấp phải hơn 200 vụ kiện và hơn 70 phán quyết bất lợi từ tòa án liên bang, làm chậm loạt chính sách gây tranh cãi.

 Tổng thống Donald Trump đã phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ hệ thống tư pháp liên bang trong 100 ngày đầu tiên. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Donald Trump đã phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ hệ thống tư pháp liên bang trong 100 ngày đầu tiên. Ảnh: Reuters.

Ngay trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Donald Trump đã đối mặt với cơn mưa pháp lý khi hơn 200 vụ kiện được đệ trình nhằm chặn đứng các chính sách chủ chốt của ông.

Tính đến nay, hơn 70 phán quyết từ các thẩm phán liên bang đã cản trở nỗ lực của Nhà Trắng trong hàng loạt lĩnh vực, từ nhập cư, quốc tịch, chi tiêu ngân sách, đến quyền của người chuyển giới và các chương trình bình đẳng đa dạng (DEI).

Siết chặt nhập cư

Ngày 19/4, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết tạm thời ngăn chặn chính quyền Trump trục xuất nhóm đàn ông Venezuela đang bị giam giữ, sau khi luật sư của họ cảnh báo họ có nguy cơ bị trục xuất khẩn cấp mà không qua quy trình xét xử tư pháp theo quy định.

Chính quyền cáo buộc nhóm người này là thành viên băng đảng tội phạm Tren de Aragua - điều mà gia đình và luật sư của họ kịch liệt phủ nhận.

Ba thẩm phán liên bang sau đó đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích cách chính quyền xử lý hồ sơ nhập cư và ra lệnh tạm dừng các vụ trục xuất mới trong khu vực pháp lý của họ, dựa trên Đạo luật Kẻ thù Ngoại bang từ năm 1798 - một văn bản pháp lý lâu đời vốn chỉ được áp dụng trong thời chiến mà ông Trump sử dụng để biện minh cho việc trục xuất không qua xét xử.

 Các thẩm phán đã chỉ trích quyết định lệnh trục xuất không qua xét xử những người bị cáo buộc là thành viên băng đảng tội phạm Tren de Aragua của chính quyền Trump. Ảnh: Reuters.

Các thẩm phán đã chỉ trích quyết định lệnh trục xuất không qua xét xử những người bị cáo buộc là thành viên băng đảng tội phạm Tren de Aragua của chính quyền Trump. Ảnh: Reuters.

Một trong ba thẩm phán đã khiển trách chính phủ vì vi phạm lệnh cấm trục xuất và đánh lạc hướng tòa án trong vụ một người đàn ông gốc El Salvador đang sống hợp pháp tại Maryland bị trục xuất nhầm.

Hai thẩm phán còn lại bày tỏ nghi ngờ về tính hợp pháp của chính sách và ra lệnh tạm thời ngăn cản chính phủ trục xuất thêm người trong lúc chờ xem xét các biện pháp dài hạn hơn.

Cho đến nay, các tòa án liên bang đã ban hành ít nhất 19 phán quyết hạn chế hoặc đình chỉ các nỗ lực của chính quyền trong việc trục xuất hàng loạt, cắt giảm ngân sách tái định cư người tỵ nạn, và giới hạn quyền công dân theo nơi sinh. Phần lớn các vụ việc đang được kháng cáo.

Tuy nhiên, chính quyền ông Trump cũng ghi nhận ít nhất 9 chiến thắng pháp lý, trong đó các thẩm phán từ chối cản trở việc tiến hành các cuộc đột kích nhập cư tại cơ sở tôn giáo, ngừng triển khai ứng dụng nhập cư điện tử, và chuyển một số người bị giam giữ tới căn cứ hải quân Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba.

Quyền công dân theo nơi sinh

Tòa án Tối cao dự kiến sẽ tổ chức phiên điều trần vào ngày 15/5 để xem xét sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc hạn chế quyền công dân tự động đối với trẻ em sinh ra trên đất Mỹ nhưng không có cha hoặc mẹ là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp.

Trong khi đó, yêu cầu của chính quyền nhằm thu hẹp phạm vi của ba lệnh cấm toàn quốc do các thẩm phán đưa ra vẫn chưa được tòa án phúc đáp.

Các bên phản đối cho rằng sắc lệnh của ông Trump đi ngược lại Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ - vốn khẳng định bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều được coi là công dân hợp pháp.

Ngân sách chính phủ và cuộc chiến tài chính

Một loạt phán quyết từ các thẩm phán liên bang đã chặn đứng kế hoạch đóng băng hàng nghìn tỷ USD tài trợ, khoản vay và các hỗ trợ tài chính khác từ chính phủ liên bang. Dù chính quyền đã tìm cách điều chỉnh một phần chính sách, nhiều nội dung của các lệnh cấm này vẫn đang có hiệu lực.

Trong các phán quyết riêng rẽ, tòa án cũng ngăn chặn nỗ lực của chính quyền nhằm thu hồi 20 tỷ USD tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, cắt giảm 11 tỷ USD ngân sách y tế cộng đồng dành cho các bang, và cắt giảm nguồn tài trợ nghiên cứu cho các trường đại học, trung tâm y tế và các cơ sở học thuật khác.

 Chính quyền ông Trump đã đóng băng 2 tỷ USD viện trợ cho Đại học Harvard. Ảnh: Reuters.

Chính quyền ông Trump đã đóng băng 2 tỷ USD viện trợ cho Đại học Harvard. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, nỗ lực tinh giản bộ máy chính phủ thông qua Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (DOGE) - do tỷ phú Elon Musk đứng đầu - lại gặp thuận lợi hơn.

Dù một số thẩm phán ra lệnh khôi phục việc làm cho hàng nghìn công chức bị sa thải vì cho rằng việc sa thải là trái luật, các tòa phúc thẩm sau đó đã tạm hoãn hiệu lực những phán quyết này. DOGE hiện bị giới hạn truy cập một số cơ sở dữ liệu, song được phép rà soát cơ quan nhà nước để tìm kiếm tiết kiệm ngân sách.

Quyền của người chuyển giới

Ngày 24/4, chính quyền Trump đệ trình lên Tòa án Tối cao yêu cầu cho phép thi hành sắc lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội – một phần trong chuỗi các chỉ đạo nhằm siết chặt quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+.

Cho đến nay, ít nhất 14 phán quyết từ các thẩm phán đã tạm thời chặn đứng chính sách cấm người chuyển giới phục vụ quân đội, cũng như các quy định yêu cầu giam giữ tù nhân theo giới tính khi sinh và cấm chăm sóc chuyển giới cho người dưới 19 tuổi.

Chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI)

Bốn thẩm phán đã ra lệnh tạm thời ngăn cản việc thực thi các sắc lệnh hành pháp của ông Trump nhằm chấm dứt các chương trình DEI trong chính phủ và buộc các tổ chức nhận tài trợ liên bang phải cam kết không thực hiện những chương trình DEI bị coi là vi phạm luật chống phân biệt đối xử.

Nhiều chính trị gia bảo thủ lập luận rằng các chính sách DEI phân biệt đối xử ngược lại với người da trắng và một số nhóm khác.

Các sắc lệnh trừng phạt các hãng luật

Bốn thẩm phán liên bang đã đình chỉ tạm thời các sắc lệnh hành pháp của ông Trump nhằm trừng phạt bốn hãng luật lớn - động thái bị coi là trả đũa quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất.

Các hãng luật bị nhắm tới từng đại diện cho thân chủ kiện tụng chống lại chính sách của ông Trump, thuê luật sư từng tham gia điều tra ông ở cấp liên bang hoặc tiểu bang, hoặc đại diện cho người từng điều tra ông trong quá khứ.

 Chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump đang vấp phải nhiều vụ kiện về tính hợp hiến. Ảnh: Reuters.

Chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump đang vấp phải nhiều vụ kiện về tính hợp hiến. Ảnh: Reuters.

Chiến tranh thương mại và làn sóng kiện tụng mới

Ít nhất 7 vụ kiện đang được tiến hành nhằm phản đối chính sách áp thuế diện rộng của ông Trump đối với các đối tác thương mại nước ngoài. Nguyên đơn cáo buộc ông Trump vượt quyền theo Hiến pháp khi áp thuế mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Một thẩm phán đã từ chối yêu cầu ban hành lệnh cấm khẩn cấp nhưng vẫn để ngỏ khả năng ban hành lệnh sơ bộ ngăn áp thuế trong thời gian tới. Sáu vụ kiện còn lại hiện vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hon-200-vu-kien-trong-100-ngay-dau-nhiem-ky-cua-ong-trump-post1549874.html