Hơn 25.000 học sinh tiểu học ở TP.HCM sẽ được hỗ trợ 5 triệu/năm?

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất mỗi học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí bằng định mức ngân sách hỗ trợ cho học sinh trường công.

Trên cơ sở thực hiện Luật Giáo dục 2019, vừa qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho toàn bộ học sinh tiểu học tại trường tư thục và công lập tự chủ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2020-2021, TP.HCM có 25.232 học sinh tiểu học ngoài công lập.

 Học sinh tiểu học trường tư sẽ được hỗ trợ như học sinh trường công? Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Học sinh tiểu học trường tư sẽ được hỗ trợ như học sinh trường công? Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Học sinh trường tư có thể được hỗ trợ bằng trường công

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong đề xuất của sở, mức hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục sẽ bằng với định mức ngân sách hỗ trợ cho học sinh trường công.

Đối tượng hỗ trợ gồm học sinh tiểu học cư trú thực tế trên địa bàn TP.HCM (thường trú và tạm trú) học tại cơ sở giáo dục tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên.

Định mức phân bổ ngân sách cho học sinh tiểu học công lập của TP.HCM hiện nay là khoảng 5 triệu đồng/học sinh/năm. Trên cơ sở đề xuất của sở GD&ĐT, các sở, ngành của thành phố sẽ cùng cho ý kiến, tham mưu cho UBND TP.HCM.

"Tôi cho rằng cho các trường tư thục, khi được hỗ trợ một định mức nào đó, chắc chắn phải có nhiệm vụ thực hiện tốt giáo dục đào tạo, chia sẻ áp lực sĩ số của trường công lập, hỗ trợ thành phố trong việc đào tạo học sinh", ông Nam nói.

Ông cho biết thêm để nhận được hỗ trợ, các trường cũng phải đảm bảo điều kiện về giáo dục như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Trước thông tin này, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12, cho biết ông cũng rất phấn khởi. Bởi, quận 12 là một trong những quận, huyện chịu áp lực lớn về vấn đề trường lớp cho học sinh tiểu học.

Đầu năm học 2020-2021, quận 12 xảy ra tình trạng không đủ trường, lớp cho gần 1.000 học sinh độ tuổi vào lớp 1. Sau đó, UBND TP.HCM đã phải chỉ đạo quận cố gắng nhận hết học sinh trong độ tuổi vào lớp 1.

Ông Hùng thông tin trung bình mỗi năm, quận có thêm 9.000 học sinh vào lớp 1. Nhiều năm qua, các trường phải dạy học với áp lực sĩ số rất lớn là 45 em/lớp, có nơi còn hơn. Thậm chí năm học này, sĩ số lên đến 50 em/lớp, khó đảm bảo chất lượng dạy học.

"Đặc thù địa bàn quận 12 là nơi tập trung lượng lớn dân lao động, công nhân các khu công nghiệp. Người dân thu nhập thấp sẽ không có điều kiện cho con học trường tư thục. Việc hỗ trợ học phí đi vào thực tế, người dân sẽ rất mừng. Điều này giúp giảm chi phí cho phụ huynh, giảm áp lực sĩ số cho trường công", ông Hùng nói.

Vị trưởng phòng này cho biết trên địa bàn quận 12, học phí trường tư thục bậc tiểu học từ 2,9 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Học phí này bao gồm cả chi phí ăn uống, bán trú, học tiếng Anh, ngoại khóa.

Quận có 12 trường tiểu học ngoài công lập, có khả năng tuyển sinh được 1.500 học sinh lớp 1/năm. Nhưng do học phí cao, người dân không mặn mà. Năm ngoái, số học sinh lớp 1 vào học trường tư là khoảng 500/9.000 học sinh, chiếm 5%.

"Hy vọng, khi học sinh tiểu học các trường tư thục cũng được hỗ trợ học phí, áp lực tài chính của phụ huynh sẽ giảm. Các trường tư thục có thể tuyển sinh tốt hơn, giảm áp lực cho trường công, qua đó nâng cao chất lượng dạy học", ông Hùng nói.

 Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng việc hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học ngoài công lập sẽ giảm áp lực tài chính của các gia đình. Ảnh minh họa: VietNamNet.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng việc hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học ngoài công lập sẽ giảm áp lực tài chính của các gia đình. Ảnh minh họa: VietNamNet.

Đáng ghi nhận nhưng không "thấm" vào đâu?

Một trưởng phòng giáo dục khác của TP.HCM cho rằng việc hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục là điều tích cực, rất đáng ghi nhận.

Với những địa phương đông dân cư, trường công không thể giải quyết được toàn bộ nhu cầu của người dân, đây là việc làm đem lại ý nghĩa thiết thực cho người dân.

Nhưng theo ông, việc hỗ trợ này cũng sẽ không "thấm" vào đâu. Với địa bàn quận ông công tác, học phí tiểu học tư thục thấp nhất khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí bán trú, ăn uống đều cao hơn trường công nhiều. Khoản hỗ trợ hơn 5 triệu đồng/năm là không đủ để các phụ huynh thay đổi sự lựa chọn giữa trường công và trường tư.

"Trước đây, tôi từng đề xuất Nhà nước phải cấp ngân sách cho trường tư bằng với trường công. Ngân sách cấp cho trường công còn có trả lương, thu nhập tăng thêm cho giáo viên, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị. Nếu chỉ hỗ trợ học phí cho học sinh thôi thì vẫn chưa đáng kể. Nhưng rõ ràng, việc hỗ trợ học phí phần nào cho thấy sự đầu tư của Nhà nước vào loại hình giáo dục tư thục", vị trưởng phòng giáo dục nói.

Mặt khác, ông cũng đặt câu hỏi về hình thức hỗ trợ và việc giám sát, quản lý. Khoản tiền hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng cho học sinh hay cấp cho nhà trường theo sĩ số học sinh. Nếu ngân sách hỗ trợ "rót" thẳng cho trường tư thì sở giáo dục hay cơ quan Nhà nước có giám sát các trường sử dụng tiền này như thế nào?

Điều 99, Luật Giáo dục 2019 quy định: “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định”.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-25000-hoc-sinh-tieu-hoc-o-tphcm-se-duoc-ho-tro-5-trieunam-post1192206.html