Hơn 30 quan chức do trung ương Trung Quốc quản lý 'ngã ngựa' năm 2022
Theo dữ liệu trên trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc, trong năm 2022, ít nhất 32 cán bộ do trung ương quản lý bị ngã ngựa và ít nhất 37 cán bộ thuộc đối tượng này đã bị kỷ luật đảng và chính quyền.
Theo Tuần báo Tin tức Trung Quốc (China News Weekly), trong số các cán bộ do trung ương quản lý, ít nhất 32 người đã bị điều tra trong năm 2022 và đây là con số lớn nhất trong vòng 5 năm từ 2017-2022.
Những người bị điều tra đều là các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, ở hơn 10 tỉnh, thành trong cả nước Trung Quốc, như Quảng Đông, Quý Châu, Cát Lâm, Thượng Hải, Bắc Kinh, Vân Nam, Quảng Tây..., cũng như các bộ ngành thuộc diện Chính phủ quản lý như Bộ Quản lý Khẩn cấp, Ngân hàng Nhân dân, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin..., cùng một số doanh nghiệp nhà nước quan trọng, như Tập đoàn Đường sắt, Tập đoàn viễn thông China Unicom, Tập đoàn quản lý lương thực dự trữ, Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc...
Trong số đó, tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc nước này có tới 5 quan chức cấp tỉnh bị điều tra, trong đó có hai Phó Tỉnh trưởng, Chủ nhiệm và một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân (tức Hội đồng Nhân dân), một Phó Chủ tịch Chính hiệp (tức Mặt trận) và Giám đốc Sở Công an tỉnh.
Trong số hơn 30 quan chức bị ngã ngựa có 2 người chủ động ra đầu thú sau Đại hội XX, đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông Lý Xuân Sinh và cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương tỉnh Cát Lâm Trương Hiểu Bái.
Hồi đầu tháng 12/2022, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc từng đăng một bài bình luận cho biết, trong 5 năm qua, 81.000 người đã ra đầu thú với cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát, trong đó từ năm 2020 đến nay 216.000 người đã chủ động khai nhận về những vấn đề cá nhân.
Bài viết cho rằng, việc các “cán bộ có vấn đề” tự nguyện ra đầu thú cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng kể từ Đại XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc “đã đi vào lòng người”. Việc “nhất thể thúc đẩy không dám, không thể và không muốn tham nhũng” đã tạo nên nhiều tầng hiệu ứng, khiến hiệu quả tổng hợp trong phòng chống tham nhũng ở cả gốc lẫn ngọn không ngừng được nâng cao./.