Hơn 300 học sinh tham 'thử làm sinh viên' tại Trường Đại học Luật TPHCM

Lần thứ hai được tổ chức trong năm 2025, chương trình 'Một ngày làm sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM' thu hút hơn 300 học sinh THPT.

Học sinh tham gia chương trình "Một ngày làm sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM". Ảnh: NTCC

Học sinh tham gia chương trình "Một ngày làm sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM". Ảnh: NTCC

Ngày 17/5, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức chương trình "One Day As A Ulawer – Một ngày làm sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM" lần thứ 2 năm 2025.

Học sinh tham dự chương trình đến từ các trường THPT tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

Chương trình được thiết kế với nhiều hoạt động: Tìm hiểu thông tin tổng quan về Trường Đại học Luật TPHCM và giải đáp thắc mắc; Tham gia lớp học trải nghiệm; Tham quan cơ sở vật chất, thư viện, không gian học tập và sinh hoạt; Giao lưu cùng các câu lạc bộ, đội, nhóm sinh viên.

 GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM chia sẻ với học sinh. Ảnh: NTCC

GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM chia sẻ với học sinh. Ảnh: NTCC

GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhấn mạnh vai trò của nhà trường với tư cách là cơ sở trọng điểm trong đào tạo cán bộ pháp luật cho cả nước.

Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Luật TPHCM đã khẳng định được vị thế của mình thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ ở cả Trung ương lẫn các tỉnh, thành phía Nam.

Theo GS.TS Đỗ Văn Đại, nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp từ trường hiện đang giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp. Đó là minh chứng rõ nét cho chất lượng đào tạo và giá trị cốt lõi mà nhà trường luôn theo đuổi. .

Ông cũng truyền cảm hứng đến các học sinh bằng chính câu chuyện của mình và gửi gắm thông điệp: "Nếu các bạn có đam mê với luật, hãy đến với cánh cổng Ulaw".

Điểm nổi bật của chương trình năm nay là buổi học mẫu do TS Nguyễn Thị Ánh Hồng – Trưởng Bộ môn Luật Hình sự trực tiếp giảng dạy.

Tiết học xoay quanh những vấn đề pháp lý cơ bản về Luật An ninh mạng, cách hành xử trên không gian mạng sao cho phù hợp với văn hóa, đạo đức và pháp luật.

Qua đó, học sinh có cơ hội tiếp cận môi trường học tập đại học thực tế, đồng thời định hình rõ ràng hơn định hướng nghề nghiệp tương lai.

 ThS Vũ Đình Lê - Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Tư vấn tuyển sinh giới thiệu các ngành nghề, phương thức tuyển sinh của nhà trường. Ảnh: NTCC

ThS Vũ Đình Lê - Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Tư vấn tuyển sinh giới thiệu các ngành nghề, phương thức tuyển sinh của nhà trường. Ảnh: NTCC

Không khí chương trình trở nên sôi nổi trong phần giao lưu giữa các thầy, cô và học sinh, phụ huynh do ThS Vũ Đình Lê - Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Tư vấn tuyển sinh chủ trì.

Tại đây, nhiều câu hỏi liên quan đến tuyển sinh, định hướng ngành học và chuẩn bị cho kỳ thi THPT đã được đặt ra và nhận được những giải đáp.

"Em rất mong chờ chuyến đi đến ngôi trường mơ ước mà trước đây chỉ thấy qua mạng xã hội. Hôm nay, được trực tiếp đến và cảm nhận, em thấy không khí học tập tại Ulaw vượt xa những gì em tưởng tượng. Em cũng muốn tìm hiểu kỹ hơn về ngành Quản trị - Luật với hy vọng sở hữu hai bằng đại học khi tốt nghiệp", Lương Xuân – học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Tiền Giang bày tỏ.

ThS. Nguyễn Thành Bá Đại – Phó Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Luật TPHCM thông tin, theo khảo sát năm 2024, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp tại trường đạt hơn 90%. Mức độ hài lòng của các đơn vị tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên tốt nghiệp đạt tới 98,6%.

Liên quan đến chính sách học bổng, học phí và điều kiện học tập, ThS Đại cho biết: Trường xét học bổng khuyến khích học tập dựa trên kết quả học tập và rèn luyện trong từng học kỳ.

Cụ thể, học bổng loại xuất sắc có giá trị 150% học phí; loại giỏi nhận 100% học phí; loại khá nhận 50% học phí. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được tạo điều kiện phát triển toàn diện thông qua các hoạt động ngoại khóa, các phong trào Đoàn - Hội, tình nguyện, thể thao, văn nghệ…

Các hoạt động phong phú được tổ chức thường niên như: Cuộc thi Phiên tòa giả định cấp quốc gia (VMoot), Ngày hội chào đón Tân sinh viên, Hội thao sinh viên, và sắp tới là Ngày hội việc làm Ulaw Career Day 2025... tạo nên môi trường học tập năng động, lành mạnh và truyền cảm hứng.

 Học sinh "check-in" tại khu vực chụp hình trong ngày hội. Ảnh: NTCC

Học sinh "check-in" tại khu vực chụp hình trong ngày hội. Ảnh: NTCC

 Học sinh đặt câu hỏi với các chuyên gia. Ảnh: NTCC

Học sinh đặt câu hỏi với các chuyên gia. Ảnh: NTCC

3 phương thức tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Luật TPHCM:

Phương thức 1: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT và Quy chế tuyển sinh của trường.

Phương thức 2: Xét tuyển theo Đề án tuyển sinh của trường, gồm 4 đối tượng, cụ thể như sau:

a. Đối tượng 1: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc kết quả kỳ thi SAT của Mỹ, đạt đủ các điều kiện:

- Điều kiện 1: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp, hoặc tiếng Nhật) hoặc có kết quả kỳ thi SAT, đạt mức điểm như sau:

+ Đối với tiếng Anh: IELTS đạt điểm từ 5,5 trở lên (do British Council (BC) hoặc International Development Program (IDP) cấp); hoặc TOEFL iBT đạt điểm từ 65 trở lên (do Educational Testing Service (ETS) cấp);

+ Đối với tiếng Pháp (chỉ xét tuyển đối với ngành Luật): Chứng chỉ DELF đạt từ trình độ B1 trở lên hoặc chứng chỉ TCF đạt điểm từ 300 trở lên/ kỹ năng trở lên. Hai loại chứng chỉ này phải do Trung tâm Nghiên cứu Sư phạm quốc tế (Centre International d’Etudes Pedagogiques - CIEP) cấp;

+ Đối với tiếng Nhật (chỉ xét tuyển đối với ngành Luật): Chứng chỉ JLPT đạt từ trình độ N3 trở lên (do Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation - JF) cấp, trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật);

+ Đối với thí sinh sử dụng kết quả điểm kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) của Mỹ: Đạt điểm từ 1.150/1.600 điểm trở lên.

- Điều kiện 2: Có tổng điểm trung bình cộng của 6 học kỳ THPT (Lớp 10, Lớp 11 và Lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp của ngành xét tuyển đạt từ 22,5 trở lên (tổng điểm trung bình cộng này được làm tròn đến một chữ số thập phân).

b. Đối tượng 2: Xét tuyển thí sinh là học sinh học tại các trường có tên trong “Danh sách các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM”, đạt đủ các điều kiện:

- Điều kiện 1: Học đủ 3 năm tại các trường có tên trong danh sách nói trên;

- Điều kiện 2: Có kết quả học tập của từng năm Lớp 10, Lớp 11 và Lớp 12 xếp loại Tốt và điểm trung bình cộng của 6 học kỳ THPT (Lớp 10, Lớp 11 và Lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên (tổng điểm trung bình cộng này được làm tròn đến một chữ số thập phân).

c. Đối tượng 3: Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực V-SAT của Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT).

Phương thức 3: Xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Nhà trường lưu ý đến các thí sinh năm 2025 về thông tin một số điểm dự kiến trong phương thức tuyển sinh và dự thảo hướng dẫn tuyển sinh của Bộ GD&ĐT:

- Ở đối tượng 1, chứng chỉ ngoại ngữ, điểm SAT sẽ được quy sang thang điểm 3 để làm điểm cộng;

- Sử dụng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng cho tất cả các đối tượng của phương thức 2;

- Dự kiến đầu hoặc giữa tháng 6 sẽ thông báo nhận hồ sơ và mở cổng nhận hồ sơ xét tuyển.

Lê Mạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hon-300-hoc-sinh-tham-thu-lam-sinh-vien-tai-truong-dai-hoc-luat-tphcm-post731597.html