Hơn 300 vụ cháy rừng nhấn chìm Siberia 'lạnh giá' trong lửa, khói
Hơn 300 đám cháy rừng từ lớn đến nhỏ đang tàn phá vùng Siberia của Nga, trong khi giới chức nước này buộc phải dùng đến cả thuốc nổ để ngăn cháy lan rộng.
The Moscow Times ngày 12/7 dẫn thông báo của cơ quan lâm nghiệp Nga cho biết hơn 300 vụ cháy rừng đã được báo cáo ở nhiều khu vực thuộc vùng Siberia, khiến giới chức nước này phải huy động nhiều nguồn lực để ứng phó.
Cơ quan bảo vệ rừng trên không của Nga cho biết họ có nhiệm vụ dập tắt 136 đám cháy đang thiêu đốt hơn 43.000ha rừng. Họ đã sử dụng máy bay chữa cháy thả nước từ trên không, sử dụng chất nổ để ngăn cháy lan rộng và phun hóa chất vào mây để gây mưa.
Một số vụ cháy hiện do lực lượng mặt đất xử lý, trong khi 159 đám cháy khác quá xa khu dân cư và sẽ là quá tốn kém khi triển khai lực lượng tới dập lửa. Các đám cháy này đang thiêu đốt 333.000 ha rừng ở nhiều khu vực thuộc Siberia và có dấu hiệu lan rộng.
Hình ảnh vệ tinh vừa công bố cho thấy khói và lửa cháy rừng vẫn đang bao trùm nhiều khu vực thuộc Cộng hòa Sakha, nơi có cư dân thưa thớt gần Bắc Băng Dương.
Vùng Siberia của Nga, nơi được biết đến như vùng đất lạnh lẽo, vẫn thường chứng kiến các vụ cháy rừng khi mùa Hè tới, song các chuyên gia cảnh báo nạn cháy rừng năm nay đang diễn biến nghiêm trọng hơn nhiều do thời tiết ấm lên bất thường từ đầu năm kết hợp với độ ẩm thấp.
Cách đây vài ngày, dịch vụ dự báo thời tiết của Nga cho biết diện tích rừng cháy cùng kỳ năm nay so với năm ngoái cao hơn tới gần 10%. Trong khi đó, chuyên gia thời tiết Roman Vilfand nói rằng, các xoáy nghịch đang gia tăng hoạt động ở bán cầu Bắc, đẩy mây khỏi khu vực và dẫn đến tình trạng hiếm mưa.
Giữa tháng 6 vừa rồi, các khu vực ở Bắc Siberia, gồm nhiều vùng lãnh thổ trong vòng Bắc Cực, đã ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng có. Theo NYTimes, người dân ở Russkoye Ustye, một ngôi làng Siberia bên bờ Bắc Băng Dương, thường lái xe trượt tuyết vào tháng 6 nhưng năm nay thì không vì nhiệt độ có lúc lên đến 31 độ C, khiến băng tan.
"Thiên nhiên đang trả thù chúng ta. Có lẽ thế", Sergei Portnyagin, trưởng làng Russkoye Ustye, nói với NYTimes qua điện thoại. "Chúng ta đã đối xử với thiên nhiên quá tàn nhẫn".