Hơn 33 triệu USD giảm thiểu chất ô nhiễm hữu cơ và thủy ngân tại Việt Nam

Theo công ước Stockholm mà Việt Nam là thành viên, hiện có 37 chất POP được kiểm soát chặt chẽ. Tại Việt Nam, nhiều chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) như SCCP, MCCP, LCCP đang được sử dụng trong sản xuất cao su, nhựa, sơn, da, giấy…

Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chính thức khởi động dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái”.

Tại Việt Nam, nhiều chất POP như SCCP, MCCP, LCCP đang được sử dụng trong sản xuất cao su, nhựa, sơn, da, giấy…

Tại Việt Nam, nhiều chất POP như SCCP, MCCP, LCCP đang được sử dụng trong sản xuất cao su, nhựa, sơn, da, giấy…

Dự án có tổng kinh phí 33,1 triệu USD, trong đó hơn 4,6 triệu USD được tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và phần còn lại do nguồn đối ứng trong nước đảm bảo.

Triển khai trong 4 năm, dự án do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì với sự phối hợp của nhiều bộ ngành, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cộng đồng.

Mục tiêu chính của dự án là giảm thiểu phát thải các chất POP và thủy ngân. Đây là những chất khó phân hủy, có khả năng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Cụ thể, dự án đặt mục tiêu giảm 648 kg thủy ngân thông qua loại bỏ và thay thế 10.000 thiết bị y tế chứa thủy ngân và 20.000 bóng đèn huỳnh quang; giảm thiểu 35 tấn POP trong các nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm và chất thải chứa chất POP; kiểm soát phát thải POP phát sinh không chủ định (U-POP) và thủy ngân trong môi trường không khí; đồng thời thiết lập cơ chế tài chính xanh và áp dụng nhãn sinh thái.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đánh giá cao vai trò quan trọng của dự án trong hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu rủi ro ô nhiễm hóa chất và đáp ứng các yêu cầu mới theo Công ước Stockholm về các chất POP và Công ước Minamata về thủy ngân. Dự án cũng phù hợp với khung pháp lý hiện hành của Việt Nam, bao gồm Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các nghị định hướng dẫn liên quan.

Theo công ước Stockholm mà Việt Nam là thành viên, hiện có 37 chất POP được kiểm soát chặt chẽ. Tại Việt Nam, nhiều chất POP như SCCP, MCCP, LCCP đang được sử dụng trong sản xuất cao su, nhựa, sơn, da, giấy…

Ngoài ra, các chất như Decabromodiphenyl ethane dùng trong sản xuất styrofoam, PFOS có trong bọt chữa cháy, UV-328 cũng đang tồn tại với số lượng lớn trong ngành công nghiệp.

Thủy ngân cũng phổ biến trong các thiết bị y tế như nhiệt kế, huyết áp kế và bóng đèn huỳnh quang. Tuy nhiên, hệ thống thu gom, phân loại và xử lý an toàn các sản phẩm chứa thủy ngân vẫn chưa được đồng bộ, gây nguy cơ ô nhiễm cao.

Ông Patrick Haverman cũng khẳng định Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong quản lý các chất POP và hóa chất nguy hại, thể hiện qua việc ký kết và phê chuẩn các Công ước quốc tế quan trọng về quản lý hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và chuyển đổi sang sản xuất không phát thải chất POP, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dự án được khởi động đúng thời điểm Việt Nam vừa mở rộng danh mục các chất POP cần loại bỏ theo Công ước Stockholm, thể hiện sự cấp thiết trong việc cập nhật chính sách và quy định quốc gia về quản lý hóa chất độc hại.

Mục tiêu tổng quát của dự án là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng bền vững thông qua giảm thiểu sử dụng và phát thải các chất POP, U-POP và thủy ngân trong vòng đời sản phẩm tại các ngành công nghiệp trọng điểm, bằng các công cụ nhãn sinh thái, cơ chế tài chính xanh và mua sắm xanh.

Dự án cũng hướng tới nâng cao nhận thức và năng lực quản lý an toàn các chất ô nhiễm, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Lê Công Thành nhấn mạnh, Bộ đã tích cực nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy. Bộ cũng chú trọng phát triển các cơ chế tài chính xanh và thúc đẩy mua sắm xanh nhằm hướng tới tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Dự án sẽ góp phần hoàn thiện các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật quản lý vòng đời sản phẩm, thúc đẩy tài chính xanh, hệ thống nhãn sinh thái và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện môi trường, phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hon-33-trieu-usd-giam-thieu-chat-o-nhiem-huu-co-va-thuy-ngan-tai-viet-nam-d328542.html