Trồng rau tại sa mạc khô cằn nhất thế giới
Phương pháp này mở ra cơ hội mới cho sự sống của con người tại những nơi khắc nghiệt nhất thế giới.
Tại sa mạc Atacama khô cằn ở Chile, nơi được coi là sa mạc khô cằn nhất thế giới, những người trồng trọt và nghiên cứu đang tìm cách khai thác nước từ chính không khí để trồng rau diếp và cây chanh, bằng cách sử dụng lưới để hứng những giọt hơi ẩm từ sương mù.
Orlando Rojas, chủ tịch dự án cho biết: "Chúng tôi đang trồng rau diếp thủy canh hoàn toàn bằng nước sương ở sa mạc khô cằn nhất hành tinh. Chúng tôi đã từng trồng những loại rau khác nhưng không mang lại kết quả, đó là lý do tại sao chúng tôi chuyển sang trồng rau diếp".

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sa mạc Atacama thuộc UC đang triển khai một nền tảng lập bản đồ web mở để hiển thị vị trí các khu vực có tiềm năng thu hoạch nước từ sương mù trong cả nước, nhằm mục đích tận dụng những vùng đất khô cằn để canh tác.
Camilo Del Rio, Giám đốc Trung tâm Sa mạc Atacama, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng của phương pháp này và nó có thể là một lựa chọn và giải pháp cho các nhu cầu về nước ở các quy mô khác nhau tại những vùng lãnh thổ khác nhau, nơi khan hiếm nước".

Trồng rau trên sa mạc
Giữa những ngọn đồi đá cằn cỗi và bãi cát trắng khô cằn, mỗi hệ thống hoạt động bằng cách sử dụng tấm lưới treo giữa hai cột để chặn những hạt hơi ẩm nhỏ trong không khí, biến chúng thành những giọt nước được thu và lưu trữ trong các bể chứa nước.
Ông Rojas cho biết: "Chúng tôi có thể thu được từ 1.000 đến 1.400 lít nước ở những nơi khắc nghiệt này". Ông cũng cho biết thêm rằng cây chanh cũng đang mọc từ nguồn nước ấy.
Mario Segovia, người cũng tham gia dự án trên cho biết nước thu được từ độ ẩm trong không khí là nước tinh khiết.
"Đó là một loại thực phẩm siêu lành mạnh, giàu dinh dưỡng hữu cơ bởi vì nước sương mù này hoàn toàn trung tính, không có khoáng chất, không có clo, không có gì cả", Mario chia sẻ.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trong-rau-tai-sa-mac-kho-can-nhat-the-gioi-234846.html