Hơn 33 tỷ USD vốn nước ngoài đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Tính đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước đạt 400 ngàn tỷ đồng.
Ngày 30/3, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu về lợi thế, tiềm năng phát triển cũng như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cho biết, đến nay tỉnh đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước đạt 400 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, riêng quý I/2024, đã thu hút vốn FDI hơn 1,5 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước hơn 25 ngàn tỷ đồng.
Các dự án đầu tư này đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, và các tập đoàn, định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít thâm dụng lao động, năng suất cao, thân thiện với môi trường.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn của Trung ương, là cơ sở chính trị, nền tảng định hình cho việc quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050.
Từ quan điểm đó, tỉnh đã nhận thức rõ: “Quy hoạch tốt sẽ có không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt”, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh.
Tại hội nghị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, có 5 dự án đầu tư FDI, gồm dự án đầu tư nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép, với vốn tăng thêm 49 triệu USD. Với khoản tăng thêm này, nhà đầu tư Hàn Quốc Hyosung nâng tổng mức đầu tư dự án lên 1,6 tỷ USD.
Tosoh Corporation với dự án nhà máy hóa chất (TVP) tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tổng vốn đầu tư 176 triệu USD; hay Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam với dự án sản xuất đồ điện tử, thiết bị máy móc, thiết bị y tế với tổng vốn 250 triệu USD. Trong khi đó, Tập đoàn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) với dự án nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, với tổng vốn 277,5 triệu USD.
Đáng chú ý là Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với dự án sản xuất Bio-based tại KCN Phú Mỹ II, tổng vốn đầu tư 730 triệu USD.
Trong khi đó, các dự án vốn trong nước có những dự án đáng chú ý như đầu tư nhà máy chế biến gỗ của tập đoàn Hòa Phát, với tổng vốn đầu tư 679 tỷ đồng; nhà máy sản xuất kết cấu thép kỹ thuật cao HTSB, vốn đầu tư gần 840 tỷ đồng; cơ sở lưu trú công nhân tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổng vốn đầu tư 1.820 tỷ đồng; khu nhà ở sinh thái An Điền tại thị trấn Long Điền, tổng vốn 4.269 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ tăng vốn 13.466 tỷ đồng, hay dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kinh Phú Mỹ tổng vốn 4.500 tỷ đồng…
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 đến 18.500 USD; phát triển tỉnh thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26.