Hơn 4.000 người dân bảo vệ môi trường từ trồng cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ
932 hộ gia đình, tương đương với hơn 4.000 người, được hưởng lợi từ dự án về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ để tăng cường đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sau một năm thực hiện (từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020), tiểu dự án "Sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ để phát triển sinh kế và giảm nạn săn bắt động vật hoang dã nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế" đã mang đến những lợi ích thiết thực cho 932 hộ gia đình, tương đương với hơn 4.000 người.
Đây là tiểu dự án do dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, đơn vị thực hiện là Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Liên Minh Xanh. Theo đó, tiểu dự án nhằm phát triển sinh kế cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng, qua đó giúp giảm dần áp lực của con người lên rừng và tài nguyên rừng như nạn săn bắt động vật hoang dã và khai thác lâm sản ngoài gỗ, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Với phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, VIRI và Liên Minh Xanh đã hỗ trợ người dân địa phương từ khâu đầu vào như các kỹ thuật khai thác mây tự nhiên một cách bền vững cũng như quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây dược liệu, đồng thời nâng cao năng lực về quản lý và kinh doanh cho các nhóm sản xuất và hợp tác xã (HTX).
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và gia tăng giá trị cho sản phẩm, dự án đa dạng hóa các mẫu mã với nhiều thiết kế mới lạ, theo hướng thiết kế bền vững. Các tiêu chí thiết kế bền vững bao gồm: Sử dụng kỹ thuật và nguyên liệu địa phương; tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; giảm thiểu nguyên liệu tự nhiên, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất hoặc rác thải ra môi trường; giảm thiểu thời gian sản xuất; đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng.
Sau 12 tháng thực hiện, tiểu dự án đã tạo ra những tác động về mặt xã hội, kinh tế và môi trường với các cộng đồng tham gia thực hiện tiểu dự án. Cụ thể, tiểu dự án đã góp phần tạo việc làm ổn định cho thành viên các HTX, các nhóm sản xuất. Trước đây, những cộng đồng này sống phụ thuộc vào khai thác các tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ rừng, việc phát triển nghề truyền thống của chính họ sẽ giúp người dân nơi đây cải thiện thu nhập, giảm dần những hoạt động khai thác kém bền vững.
Để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị, tiểu dự án đã hỗ trợ tăng cường liên kết kinh doanh giữa người dân, HTX với các doanh nghiệp. Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng 8 Điểm kết nối tinh hoa Huế tại Huế, Hà Nội để trưng bày và giới thiệu sản phẩm, cùng với kênh truyền thông qua mạng xã hội Facebook, đồng hành cùng các HTX và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kết nối giao thương online nhằm đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Thông qua hoạt động quảng bá truyền thông ở các sự kiện, fanpage, VIRI và Công ty Liên Minh Xanh muốn mang đến những thông điệp ý nghĩa về chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ các sinh vật quý hiếm như Sao La – loài "kỳ lân châu Á" đặc hữu ở khu vực Trung Trường Sơn.
Đánh giá về hiệu quả của tiểu dự án, Phó Giám Đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, nhận định, qua một năm thực hiện đã thu được những kết quả đáng khích lệ như: Các hoạt động được triển khai đa dạng; các sản phẩm từ các hợp tác xã đều được liên kết, đưa vào trong mạng lưới thương mại; cách quảng bá sản phẩm, tham gia bán hàng trực tuyến, các cổng kết nối giao thương… đều được triển khai một cách hiệu quả… Nhìn chung, các hoạt động để thay đổi nhận thức hay sinh kế cho người dân ở các vùng của dự án đã thu được những chuyển biết tích cực. Đặc biệt, thu hút được các xã viên, đồng bào dân tộc thiểu số trong mỗi hợp tác xã cũng tham gia và tiếp cận khá mạnh trong các hoạt động.
Thời gian tới, VIRI và Liên Minh Xanh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX xúc tiến bán hàng trên sàn thương mại điện tử như Amazon, Esty, Lazada, Tiki… và kết nối khách hàng nước ngoài bằng cách trao đổi trực tuyến qua Zoom hay tour du lịch ảo. Đồng thời, sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền địa phương để hỗ trợ xúc tiến hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho những sản phẩm của các HTX: HTX Du lịch cộng đồng Thôn Dỗi, HTX Nông nghiệp dược liệu A Roàng, HTX Thổ cẩm xanh AzaKooh.