Hơn 40.000 người chết mỗi năm tại Việt Nam do rượu bia

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng vừa công bố, rượu bia hiện xếp thứ 2 trong tổng 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trong đó mỗi năm có khoảng 40.800 tử vong do rượu bia.

Theo TS. Trần Quốc Bảo – Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng), mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó tử vong do rượu bia chiếm tỷ lệ 7,5%.

Cũng theo ông Bảo, rượu bia hiện là nguyên nhận trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.

Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Theo thống kê, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.

Mức tiêu thụ rượu bia ở người dưới 16 tuổi ở Việt Nam hiện cũng đang tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005 mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm thì bước sang năm 2018 và 2019, cón số này đã tăng lên 7,9 lít.

Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nữ giới cũng tăng lên. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên (13-17 tuổi) là 24,6% (giảm so với 33,2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17,6% năm 2013). Trong đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22,1% ở nam và 19,3% ở nữ.

Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia tính trên đầu người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam. Nếu năm 2010, 25,1% nam giới trưởng thành của Việt Nam có tình trạng uống rượu bia quá độ thì sang năm 2015, con số này đạt mức 44,2%.

Trong giai đoạn 2015-2019, sản lượng bia của Việt Nam tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm (chưa bao gồm số lượng rất lớn rượu thủ công, tự nấu).

Trong khi lượng tiêu thụ rượu bia ngày càng tăng thì mức thu lại cho ngân sách Nhà nước vẫn ở mức tương đối thấp. Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu bia tại Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của Nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp), trong khi đóng góp cho ngân sách nhà Nước toàn ngành năm 2017 là khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương với 2 tỷ USD).

Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, ở nhiều nước thuế rượu bia đã chiếm khoảng 40 – 85% giá bán lẻ. Theo tính toán, giá rượu bia tăng 20% có thể làm giảm 13% mức tiêu thụ rượu, bia (giảm 10% mức tiêu thụ bia, 16% mức tiêu thụ rượu mạnh và rượu vang).

WHO cũng đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra.

Dương Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hon-40-000-nguoi-chet-moi-nam-tai-viet-nam-do-ruou-bia-post8509.html