Hơn 400 bộ đội xuống đồng gặt lúa tránh bão ở Thái Bình
Bão chồng bão kèm theo mưa lớn suốt những ngày qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn ha lúa mùa đang kỳ thu hoạch ở tỉnh Thái Bình. Chung tay giúp dân, hàng trăm bộ đội đóng quân trên địa bàn đã cơ động xuống các thôn xóm hỗ trợ thu hoạch lúa.
Sáng 14/10, trên cánh đồng các thôn Sơn Thọ, Trung Kiên, Đa Cốc (xã Nam Bình, huyện Kiến Xương), hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được điều động xuống địa bàn cùng nhân dân gặt lúa chạy bão.
Ông Đỗ Xuân Hiển, Chủ tịch UBND xã Nam Bình cho biết: Ảnh hưởng của con bão số 7 vừa qua đã làm hơn 380 ha lúa ngã, đổ, ngập úng, nếu không khẩn trương thu hoạch thì lúa sẽ mọc mộng. Chúng tôi còn 150 ha nữa trên cánh đồng, hôm nay có thêm bộ đội về hỗ trợ, hy vọng tiến độ gặt sẽ được đẩy nhanh hơn.
Thượng tá Đào Hồng Dương, Phó tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình thông tin nhanh: Bắt đầu từ hôm qua, chúng tôi huy động khoảng hơn 400 bộ đội gồm lực lượng tại tỉnh và Ban chỉ huy Quân sự 8 huyện, thành phố xuống đồng giúp dân.
Theo bố trí cụ thể của từng địa phương, lực lượng bộ đội không quản thời gian, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và mong muốn của những nơi đang khó khăn về nhân lực hoặc diện tích thu hoạch còn lớn.
Cho đến ngày 14/10, toàn tỉnh Thái Bình đã thu hoạch được 55.480 ha lúa mùa trên tổng số hơn 76.660 ha. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài từ cuối tháng 9 đến nay, nhất là mưa lớn kèm gió to do hoàn lưu bão số 7 đang làm chậm tiến độ thu hoạch lúa mùa và trồng cây vụ đông ưa ấm.
Theo tính toán, đã có 13.300 ha lúa giảm năng suất, 12.300 ha cây vụ đông bị chết hoặc ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nguy cơ gẫy các chuỗi nông sản phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Thái Bình đang yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích rau màu, lúa, dược liệu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với diện tích lúa bị đổ chưa đến kỳ thu hoạch phải khẩn trương dựng buộc tránh hạt lúa nảy mầm. Huy động phương tiện tháo nước, khơi thông dòng chảy để cứu rau màu, lúa ngập úng.
Đối với diện tích rau bị thiệt hại hoàn toàn nên tạm dừng việc gieo trồng, bảo quản tốt lượng giống và cây trong bầu, chuẩn bị các phương án hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất như hỗ trợ giống cây ưa lạnh để gieo trồng, bảo đảm không để khan hiếm xảy ra.
UBND tỉnh Thái Bình cũng đang tổng hợp tình hình thiệt hại xảy ra thời gian qua để báo cáo Chính phủ hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất vụ mùa, vụ đông năm nay. Đồng thời cân đối ngân sách để hỗ trợ phục hồi sản xuất cho nông dân bị thiệt hại do mưa úng gây ra.