Hơn 49% thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 tuyển sinh đại học

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh thi tốt nghiệp THPT có giảm vào năm 2023, nhưng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với năm 2022.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu.

Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non là gần 66%, trong khi đó năm 2022 chỉ có 61,34%. Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển gần 3,4 triệu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, số thí sinh thi tốt nghiệp THPT có giảm vào năm 2023 nhưng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với năm 2022.

Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho biết, thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 là 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9 % so với năm 2022.

Về công tác tuyển sinh đại học năm 2023, theo bà Thủy, các trường có nhiều phương thức xét tuyển quá phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm chưa dự báo được số lượng thí sinh ảo.

Về phương hướng cho năm học 2023-2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng các cơ sở giáo dục đại học phải nâng cao năng lực thực thi pháp luật, hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường quản trị đại học.

Bên cạnh đó, hoàn thiện phương thức tuyển sinh cơ bản giữ ổn định, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đầu tư và chiến lược cho giáo dục.

Đồng thời, các trường đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số quốc gia đặc biệt thí điểm triển khai đại học số. Tăng cường các điều kiện về bảo đảm và quản lý chất lượng, phát triển các hoạt động khoa học công nghệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế để hỗ trợ các hoạt động khác.

Cũng tại Hội nghị, đại diện thanh tra Bộ này đã thông tin về các vi phạm của các cơ sở. Theo đó, các sai phạm thể hiện ở nhiều mảng hoạt động, lĩnh vực trong công tác giáo dục.

Các trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Hội đồng trường chưa kiện toàn thành phần theo quy định; chưa xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa kịp thời kiện toàn ban giám hiệu.

Nhiều đơn vị chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền hoặc ban hành văn bản, quy chế chưa đầy đủ và đúng quy định pháp luật, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính; vi phạm quy định trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức.

Ngoài ra, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo;

Chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền...

Một số cơ sở giáo dục cũng chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định, đặc biệt là thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, tuyển sinh, thông tin về văn bằng, chứng chỉ.

Đặc biệt, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa được chú trọng, nặng về hình thức, còn có những hoạt động mang tính đối phó.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hon-49-thi-sinh-trung-tuyen-nguyen-vong-1-tuyen-sinh-dai-hoc-d197262.html