Hơn 50% vụ cháy do sự cố về điện, vì sao Bộ Công thương chậm sửa đổi quy định?
Dẫn số liệu mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, trong đó 53-54% nguyên nhân do sự cố về điện, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh truy trách nhiệm của Bộ Công thương khi chậm sửa đổi, bổ sung quy định sử dụng điện để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Chiều 13/6, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), Trưởng Đoàn giám sát đã chủ trì Phiên họp giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2020 - 2022".
Tham dự phiên họp có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương...
Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 47 năm 2022 về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023, Kế hoạch số 248 ngày 4/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai chương trình hoạt động giám sát, ngày 17/3/2023, UBQPAN đã ban hành Nghị quyết số 901 thành lập Đoàn Giám sát của UBQPAN về việc thực hiện "Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2020 – 2022".
Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh, phiên họp được tổ chức để UBQPAN có thêm thông tin, cơ sở quan trọng đánh giá toàn diện tình hình thực hiện các quy định về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2020 – 2022 của các bộ, ngành. Qua đó, làm rõ những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 99, xác định nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, các đơn vị, cá nhân; kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 99 và hoàn thiện pháp luật về PCCC trong thời gian tới.
Theo Kế hoạch, UBQPAN sẽ làm việc với Chính phủ, 12 bộ, 4 tập đoàn lớn của Việt Nam và một số địa phương trong các buổi chiều ngày 13,14 và 16/6. Trong buổi chiều 13/6, Đoàn giám sát làm việc với 4 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính.
Sau khi nghe các báo cáo của 4 bộ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99, dưới sự điều hành của Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, các vị đại biểu Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương... tham dự phiên họp đã thẳng thắn thảo luận, trao đổi ý kiến liên quan việc thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, trong đó 53-54% nguyên nhân là do sự cố về điện, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực UBQPAN đề nghị các báo cáo cần bổ sung phần hạn chế, làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm của các bộ, ngành. "Trong khi việc bổ sung cơ sở vật chất PCCC rất khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phó mặc cho cơ quan chuyên trách, chỗ nào cháy mà không dập được thì gọi PCCC là xong", ông đề cập.
"Bộ Công thương phải sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn PCCC, nhưng đến bây giờ vẫn chưa quy định được chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân cho rõ ràng. Việc này rất gây khó khăn cho các cơ quan trong quản lý, giám sát, kiểm tra. Tôi xin hỏi Bộ Công thương, trách nhiệm của các đồng chí như thế nào, khi nào thì thực hiện cho xong và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân?", Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng thẳng thắn.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực UBQPAN cho rằng, tinh thần của Quốc hội, trong PCCC thì phòng là chính, ưu tiên "4 tại chỗ" trong PCCC. "Tuy nhiên, một số nơi nghĩ PCCC do lực lượng Công an chuyên trách chứ chưa nghĩ đến trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình, thậm chí là nhận thức của người đứng đầu cũng chưa đầy đủ. Nhiều nơi PCCC theo kiểu đối phó, cho nên khi có tình huống xảy ra không xử lý được", ông nói.
Đại biểu đề nghị các bộ, qua giám sát của UBQPAN cần chỉ đạo, quán triệt một lần nữa Nghị quyết số 99 của Quốc hội, rà soát lại những nhiệm vụ mà Quốc hội đã chỉ ra để chấn chỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCCC. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC để phát hiện những vướng mắc, bất cập để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm băn khoăn về công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo của bộ nói, đối với các đơn vị của bộ thì bộ không tiến hành thanh tra do đã thực hiện công tác thanh tra hằng năm của Thanh tra Chính phủ. "Nghị quyết đề cao vai trò phải tự túc, tự lực là chính, qua thanh tra, kiểm tra để "phòng là chính". Ở đây nếu chúng ta làm cách thức như vậy liệu đã đáp ứng yêu cầu về công tác PCCC nói chung cũng như của nghị quyết đề ra hay chưa?", bà đặt vấn đề và cho rằng, mỗi vụ cháy xảy ra không chỉ thiệt hại về tiền mà còn mất nhiều tài liệu cơ quan tổ chức và thiệt hại tính mạng của con người thì không thể "cân, đong, đo, đếm" được.
Đại biểu cũng mong muốn báo cáo này có phần soi chiếu, so với báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội, sau mấy năm thực hiện thì mình có kết quả gì khác. "Một số báo cáo các bộ còn chung chung. Sau mấy năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thì một số bộ, ngành vẫn nêu tồn tại: "nhận thức của cán bộ công chức, chưa kể đó là người đứng đầu coi việc PCCC là việc của cơ quan khác chứ không phải cơ quan mình". Đây là việc mà các bộ, ngành cần xem xét lại", Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội nêu.
Phát biểu kết lại nội dung thảo luận giữa Đoàn giám sát UBQPAN với 4 bộ nêu trên, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN đánh giá, cơ bản các báo cáo đã bám sát đề cương Đoàn giám sát gửi, trong đó báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tương đối sát, có những đánh giá rất rõ. Đồng chí Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát đề nghị các bộ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội dung, trong đó nhấn mạnh sâu về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là về hệ thống pháp luật kể từ sau Nghị quyết số 99, để thống nhất quan điểm giữa các bộ ngành, sau đó UBQPAN sẽ tổng hợp báo cáo, kiến nghị với Quốc hội...