Hơn 6.500 người tử vong ở Pháp, dịch ở Đức có dấu hiệu chậm lại

Bộ Y tế Pháp cho biết tính tới ngày 3-4, tổng số ca tử vong ở Pháp do dịch Covid-19 đã lên tới 6.507, trong đó có 5.091 ca tử vong ở bệnh viện và ít nhất 1.416 ca ở các nhà dưỡng lão kể từ khi có dịch. Tình hình tại các bệnh viện tại Pháp vẫn rất căng thẳng vì số người nhập viện vẫn tăng mạnh. Trong khi đó, sự lây lan ở Đức có dấu hiệu chậm lại.

Chỉ trong ngày 3-4, cảnh sát Pháp tiến hành hơn 420 nghìn lượt kiểm tra để ngăn chặn những người đi nghỉ lễ dù có lệnh cấm. Ảnh: sudouest.fr

NDĐT - Bộ Y tế Pháp cho biết tính tới ngày 3-4, tổng số ca tử vong ở Pháp do dịch Covid-19 đã lên tới 6.507, trong đó có 5.091 ca tử vong ở bệnh viện và ít nhất 1.416 ca ở các nhà dưỡng lão kể từ khi có dịch. Tình hình tại các bệnh viện tại Pháp vẫn rất căng thẳng vì số người nhập viện vẫn tăng mạnh. Trong khi đó, sự lây lan ở Đức có dấu hiệu chậm lại.

Pháp còn nhiều bệnh nhân nặng

Trong cuộc họp báo tối ngày 3-4 về tình hình bệnh dịch, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho rằng ở Pháp chưa bao giờ có nhiều bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt đến như vậy vì một bệnh lý duy nhất, hiện đã lên tới 6.662 ca trong đó có 35% dưới 60 tuổi. Tổng số người đang được điều trị trong bệnh viện là gần 27.550, tăng 1.686 trường hợp so với ngày 2-4. Trong 24 giờ qua, có thêm 588 ca tử vong trong bệnh viện và hơn 5.000 ca nhiễm mới được xác nhận.

Tới ngày 2-4, Pháp mới có số thống kê về các trường hợp tử vong ở các nhà dưỡng lão, nhưng cũng chưa có số liệu về những trường hợp ở nhà riêng. Có tới 66% trong tổng số khoảng 7.000 cơ sở chăm sóc người có tuổi đã bị lây nhiễm. Khoảng 17.800 ca nhiễm ở những nơi này đã được xác nhận hoặc bị nghi nhiễm bệnh.

Tại vùng thủ đô Ile-de-France, quân đội cũng được huy động để hỗ trợ các bệnh viện giảm tải trong suốt hai ngày qua. Lực lượng Không quân đã điều 5 máy bay trực thăng và hai máy bay vận tải để sơ tán bớt 30 bệnh nhân tới các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn. Cơ quan Y tế vùng thủ đô cho biết, mục tiêu là chuyển khoảng 150 người ra ngoài khu vực Paris vào cuối tuần này vì các bệnh viện ở đây đang trong tình trạng rất khó khăn do có gần 11 nghìn bệnh nhân trong đó có tới 2.375 ca nặng.

Trong khi vùng thủ đô Ile-de-France đang gặp rất nhiều khó khăn vì số bệnh nhân tăng liên tục, tình hình ở vùng Grand Est - một điểm nóng ở phía đông - có chiều hướng tích cực hơn. Trong cuộc họp báo chiều 3-4, Giám đốc Cơ quan y tế khu vực Christophe Lannelongue cho rằng đỉnh dịch sắp qua dù các bệnh viện vẫn đang "chiến đấu" rất căng thẳng để cứu chữa bệnh nhân.

Theo ông Christophe Lannelongue, các chỉ số và diễn biến cho thấy bệnh dịch ở đây đang tiến đến "bước ngoặt." Hệ thống y tế khu vực đang dồn sức vào việc ổn định số người cần chăm sóc đặc biệt để có thể giảm nhiệt trước ngày 25-4. Tại vùng Grand Est, có 4.712 người nhập viện trong đó có 971 ca nặng tính tới ngày 3-4. Số người tử vong lên tới 1.311 và có 2.543 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện.

Ở Pháp hiện chưa có quy định yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Các chuyên gia y tế đã đề cập rất nhiều đến biện pháp rào cản này để hạn chế sự lây lan khi tiếp xúc. Mặc dù vậy nhiều người vẫn cho rằng không cần thiết, vì họ không có bệnh và cũng khó mua. Tuy nhiên ngày 3-4, Viện hàn lâm Y học quốc gia Pháp đưa ra khuyến nghị rằng nên ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường, có thể là khẩu trang bình thường, nếu không có khẩu trang y tế FFP2 vì đang bị thiếu, trong thời gian và kể cả sau khi lệnh hạn chế di chuyển được dỡ bỏ.

Khuyến nghị có đoạn viết: Thực tế cho thấy những người trong thời gian ủ bệnh hoặc trong tình trạng có bệnh nhưng không có triệu chứng sẽ phát tán virus và duy trì sự lây lan. Ở Pháp, trong bối cảnh hiện nay, việc đeo khẩu trang rộng rãi sẽ góp phần tăng thêm biện pháp rào cản. Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho rằng hiện vẫn còn sự thiếu hụt rất lớn khẩu trang FFP2 cho các nhân viện y tế, vì vậy "có thể khuyến khích" mọi người đeo khẩu trang thông thường.

Tính từ ngày 1-3, tổng số ca tử vong trong bệnh viện ở Pháp lên tới 5.091, trong đó có 588 trường hợp mới được xác nhận trong 24 giờ qua. Nguồn: Bộ Y tế Pháp.

Tính từ ngày 1-3, tổng số ca tử vong trong bệnh viện ở Pháp lên tới 5.091, trong đó có 588 trường hợp mới được xác nhận trong 24 giờ qua. Nguồn: Bộ Y tế Pháp.

Bệnh dịch không chỉ làm thay đổi chương trình hoạt động của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng hàng triệu học sinh. Lần đầu tiên trong lịch sử của hệ thống giáo dục Pháp, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có sự điều chỉnh rất lớn. Ngày 3-4, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết kỳ thi năm nay sẽ diễn ra trong những điều kiện đặc biệt vì sự an toàn của học sinh. Theo đó, Pháp không tổ chức các cuộc thi viết, mà chỉ duy trì một vài môn thi vấn đáp. Điểm thi của các thí sinh sẽ được căn cứ trên điểm trung bình của cả năm.

Đức "hy vọng" dịch bệnh chững lại

Đức hiện đứng thứ 5 thế giới về số người nhiễm nhưng tình hình đã có dấu hiệu tích cực. Ngày 3-4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đà lây lan chậm lại đang được theo dõi rất sao sát, mang lại "hy vọng" cho việc sớm khống chế bệnh dịch.

Trong cuộc họp báo hằng ngày về bệnh dịch ở Đức, ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch cho biết các biện pháp hạn chế di chuyển và tiếp xúc ở nước này đã có tác dụng làm chậm đà lây lan của virus corona. Ông nói: Chúng tôi thấy rằng sự lây lan của virus đang chậm lại. Các biện pháp ngăn chặn đã có tác dụng.

Số người nhiễm ở Đức hiện đã cao hơn Trung Quốc, 90.964 ca do biện pháp xét nghiệm quy mô lớn, trong khi đó số tử vong là 1.234, thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc và một số nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Bỉ và Hà Lan. Số người đã được chữa khỏi cũng ngày càng nhiều, lên tới 24.575 nghìn trường hợp.

Theo ông Lothar Wieler, tỷ lệ từ vong ở Đức có chiều hướng tăng từ 1% lên 1.2% vì vậy cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang khi ra ngoài. Không chỉ ban hành các biện pháp nghiêm ngặt, chính quyền ở một số địa phương tại Đức còn phạt rất nặng những ai vi phạm khoảng cách tiếp xúc, nếu dưới từ 1,5m, từ 500-1.000 euro. Tại thành phố Jena ở phía đông, bất kỳ ai ra đường phải đeo khẩu trang. Do nhu cầu sử dụng đồ y tế phòng dịch vẫn tăng cao, Bộ Y tế Đức cho biết công suất

Do nhu cầu về thiết bị y tế, phòng dịch ngày càng lớn, ngày 3-4, Ủy ban châu Âu ra thông báo về việc tạm thời miễn thuế hải quan và thuế VAT đối với hàng y tế nhập khẩu từ nước thứ 3 "để giúp chống lại coronavirus". Quyết định này có hiệu lực đối với khẩu trang, đồ chống dịch, thiết bị y tế như máy thở, bộ xét nghiệm virus... để tăng nguồn cung cấp kịp thời cho ca nhân viên y tế. Thời hạn miễn thuế là 6 tháng, sẽ được gia hạn tính từ lần trước vào ngày 30-1.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43921502-hon-6-500-nguoi-tu-vong-o-phap-dich-o-duc-co-dau-hieu-cham-lai.html