Hơn 60 mùa xuân làm theo lời ĐảngTin khácTiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt pháPhát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022

Cách đây hơn 60 năm, có một đoàn người từ xứ Đoài xa xôi vượt hàng trăm cây số lên vùng đất hoang vu xứ Lạng lập nghiệp. Bao nhiêu khó khăn, vất vả trong những năm tháng đầu tiên khởi dựng trên miền đất mới rồi cũng qua đi. Đất không phụ công người, đã trả lại cho người những mùa vàng bội thu, bốn mùa hoa thơm trái ngọt. Để đến hôm nay, trên miền quê này, ai cũng có 'của ăn của để'. Đó là những người Hồng Châu đi khai hoang, xây dựng kinh tế mới ở xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Bên dãy núi đá Cai Kinh hùng vĩ và huyền thoại năm 1961 đã xuất hiện một địa danh mới: Hồng Châu. Hồng Châu là tên của một làng thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ). Thực hiện Nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa III (năm 1960) “… Vận động Nhân dân miền xuôi tham gia xây dựng và phát triển kinh tế – văn hóa miền núi …”. Theo tiếng gọi của Đảng, trên 20 hộ gia đình đã rời quê hương, lên khai hoang rồi định cư ở đất này.

Để thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương cũ, những người con xa quê đã lấy tên của quê hương mình đặt tên cho vùng đất mới. Từ đó đến nay, giữa hai vùng đất cùng tên của Thường Tín – Hà Tây và Hữu Lũng – Lạng Sơn vẫn được các thế hệ con cháu trân trọng giữ gìn.

Tôi đến Hồng Châu vào dịp dân làng đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Nhìn các gương mặt hân hoan rạng rỡ của những người dân ở đây, tôi đã hiểu được một phần về đời sống của họ.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Ngọc dẫn tôi đi một lượt quanh làng. Như một hướng dẫn viên du lịch thành thạo, Ngọc đã cuốn hút tôi, làm tôi say mê trước khung cảnh và con người ở vùng quê đang khởi sắc. Thỉnh thoảng, anh dừng lại giới thiệu, khi thì một thung lũng, có cánh đồng “năm mươi triệu”, khi thì ở một khu rừng keo, bạch đàn đang lên xanh tốt, hứa hẹn một ngày bội thu.

Hội viên nông dân xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng phát triển kinh tế từ mô hình trồng na. Ảnh: LƯƠNG THẢO

Hội viên nông dân xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng phát triển kinh tế từ mô hình trồng na. Ảnh: LƯƠNG THẢO

Và đây là “ngầm tràn Hồng Châu” qua khúc sông Thương chạy qua làng, hoàn thành vào năm 2015 có chiều dài 100 mét. Công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm trị giá 1 tỷ 700 triệu đồng. Ngầm tràn được xây dựng thay thế cho những chiếc cầu tạm bằng tre nứa sơ sài ngày xưa, bảo đảm an toàn cho người qua lại trên khúc sông này, khi mùa mưa lũ đến không còn cảnh tai nạn thương tâm mà thỉnh thoảng xảy ra những năm trước đây. Rồi lớp mẫu giáo mầm non của thôn đang “ê a” theo cô giáo học bài. Chúng tôi cứ vừa đi vừa nói chuyện rồi dừng lại ở nhà văn hóa thôn mới được xây dựng, đủ chỗ cho gần 100 người ngồi khi hội họp, sinh hoạt của dân làng. Mở cửa bước vào, chúng tôi vẫn thấy ngổn ngang những chiếc quạt múa bằng nhựa màu xanh, đỏ, những cành hoa nhựa được xếp cạnh của các chị trong chi hội phụ nữ và các đoàn thể đang tập chương trình để tham dự hội diễn văn nghệ của huyện và chào mừng những ngày lễ lớn và sự kiện chính trị của địa phương. Ban ngày, họ vất vả với cuộc sống thường nhật, nhưng tối đến, lại gạt hết tất cả mọi lo toan sang một bên để sinh hoạt văn hóa. Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ được thôn tổ chức truyền đạt các kiến thức, các kinh nghiệm trong sản xuất, các chi hội cũng tổ chức cho những buổi sinh hoạt riêng. Thôn bây giờ có 5 hội, đoàn thể và các câu lạc bộ như: phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân … Bà con rất say mê với hoạt động văn hóa, bởi chỉ những lúc này, người ta mới thoải mái để trao đổi tâm tư của mình, những suy nghĩ, những nguyện vọng để tìm ra một cuộc sống hạnh phúc, vui tươi. Đơn giản cũng có khi những buổi sinh hoạt văn hóa chỉ là những lời ca, tiếng hát nhưng đem đến một sự thoải mái và niềm vui.

Tôi chú ý đến dãy bằng khen, giấy khen treo trên tường của các cấp, các ngành tặng cho thôn, đặc biệt chiếc bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với dòng chữ: “Khen ngợi Nhân dân và cán bộ thôn Hồng Châu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển giao thông miền núi năm 2014”. Thì ra con đường bê tông phẳng lì, rộng rãi, nhẵn bóng gần 3.000 m mà tôi vừa đi qua là kết quả quá trình phấn đấu của thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới để có được tấm bằng khen này. Trò chuyện với trưởng thôn Nguyễn Văn Ngọc, tôi còn được biết nhiều chuyện của quá khứ và những thành tựu kinh tế, xã hội mà Hồng Châu đã đạt được.

Biết tôi là khách quen ở xa về, ông Nguyễn Thông Giang – nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Ngọc tiếp tôi, coi tôi như khách quý của làng. Chúng tôi ngồi trò chuyện thân mật vui vẻ bên ấm chè xanh cây nhà lá vườn, như những người anh em trong gia đình. Hồng Châu 60 năm trước bỗng hiện ra trước mắt tôi. Ông Nguyễn Thông Giang, 81 tuổi, là một trong những người đầu tiên có mặt trên đất này bồi hồi nhớ lại: “Quá khứ không thể kể hết được những khó khăn mà dân làng chúng tôi đã trải qua. Vốn quen với cuộc sống sinh hoạt vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc, nay phải đối mặt với vùng đất cằn cỗi, dân cư thưa thớt, khắp một vùng hoang vu và mênh mông toàn là lau lách, cây rừng rậm rạp, giao thông hầu như không có, chỉ có những lối mòn, nguồn nước sinh hoạt cũng hết sức hiếm hoi nói gì đến canh tác. Nhưng với lòng quyết tâm của bà con chúng tôi, lại được chính quyền và bà con địa phương hết lòng giúp đỡ, đùm bọc nên mọi khó khăn, thiếu thốn cũng qua đi. Đất đã không phụ công người, cuộc sống của chúng tôi cứ ổn định dần dần”.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, dấu vết của một vùng đất hoang vu, cằn cỗi đã không còn. Hồng Châu đang từng bước thay da đổi thịt với một sức sống mới. Dừng lại giây lát, vẻ xúc động, ông quay mặt về phía tôi nói tiếp: “Năm 1961, khi mới đến đất này, làng tôi mới có gần 20 hộ với gần 100 khẩu thì bây giờ đã có 86 hộ với gần 400 nhân khẩu. Đời sống của bà con chúng tôi không ngừng được cải thiện, đến nay, hộ đói đã được xóa bỏ, hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 1%, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm, là một trong những thôn có mức thu nhập cao của xã. 100% số hộ trong thôn có phương tiện nghe nhìn, nhiều gia đình có các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác. Giao thông thủy lợi được cải thiện và phát triển, thôn đã chủ động được nguồn nước tưới bằng những máy bơm công suất lớn. Cơ giới hóa đang từng ngày giúp bà con nông dân giải phóng sức lao động trong sản xuất nông nghiệp”.

Ai đến Hồng Châu hôm nay cũng bắt gặp một màu xanh bát ngát của những vườn cây ăn quả các loại, của những cánh rừng keo, bạch đàn nhấp nhô, trùng điệp, vườn tiếp vườn, rừng tiếp rừng đang vươn lên xanh tốt, hứa hẹn cho một ngày bội thu. Trưởng thôn Nguyễn Văn ngọc cho biết: Năm vừa qua, riêng tiền bán gỗ, Hồng Châu đã thu được nhiều tỷ đồng. Các gia đình làm kinh tế giỏi, có thu nhập từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/năm điển hình như: ông Đặng Văn Kể, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Duy Hà, Trần Văn Sáng, Nguyễn Bá Mơ, Nguyễn Thanh Sơn … Các gia đình kinh doanh trồng rừng giỏi có từ 3 ha trở lên như hộ các ông, bà: Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Nội. Đặc biệt ông Nguyễn Văn Ngọc có 10 ha, ông Nguyễn Văn Ngà có 15 ha, ít ngày nữa, ông Ngà sẽ bán rừng keo, ước tính sẽ thu được trên 700 triệu đồng. Về cây ăn quả, hộ các ông: Nguyễn Văn Miền, Đặng Đức Kế, vụ táo và bưởi Diễn năm qua cũng thu được trên 100 triệu đồng.

Giáo dục cũng được đặc biệt coi trọng, 100% các cháu đến tuổi đi học đều được cắp sách đến trường. Số gia đình có con thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Gia đình các ông: Nguyễn Duy Hà và Nguyễn Bá Mơ đều có 2 con đỗ đại học. Hội Khuyến học của thôn hoạt động rất có hiệu quả nên đã động viên được con em trong thôn thi đua học tập. Và đây cũng là thôn duy nhất của xã Cai Kinh nhiều năm không có tệ nạn xã hội, nhiều năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa.

Hồng Châu nay đã khác xưa nhiều lắm, cái khác dễ nhận ngay là phát triển cơ sở hạ tầng, nơi mà hơn 60 năm về trước còn xác xơ, nghèo đói, thì nay chẳng còn dấu vết, điện đã về tới tận những gia đình hẻo lánh xa xôi. Đã hiện diện một Hồng Châu với những ngôi nhà hai, ba tầng duyên dáng, đẹp đẽ.

Hồng Châu đang trên đường đổi mới cùng đất nước. Hơn 60 năm làm theo lời Đảng, hôm nay, Hồng Châu đang vững bước đi lên trên con đường lớn, con đường hạnh phúc, ấm no – con đường xuân tươi đẹp, vinh quang mà ngàn đời khát vọng.

BÚT KÝ: TRƯƠNG THỌ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/474930-hon-60-mua-xuan-lam-theo-loi-dang.html